Phát hiện hầm mộ lớn của một vị Pharaoh Ai Cập cổ đại

Các nhà khảo cổ học Ai Cập cùng các chuyên gia Bảo tàng Đại học Pennsylvania (Mỹ) mới đây đã phát hiện một hầm mộ lớn bằng đá vôi của một Pharaon Ai Cập cổ đại chưa xác định được tên tuổi. Đây là lần thứ hai trong năm nay các nhà khảo cổ phát hiện thấy hầm mộ của một vị vua Ai Cập cổ đại.

Credit: Josef Wegner / Penn Museum

Credit: Josef Wegner / Penn Museum

Ngôi mộ nằm sâu 7m dưới lòng đất của nghĩa trang cổ đại dưới núi Anubis, gần thành phố Abydos có niên đại khoảng 3.600 năm trong thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử Ai Cập. Hầm mộ trống rỗng, có vẻ như đã bị những tên trộm mộ ăn trộm từ lâu. Do sự phá hoại của những kẻ trộm mộ, không còn nhìn được rõ tên vị vua được chôn cất tại đây được ghi lại bằng chữ tượng hình trên gạch trát thạch cao tại lối vào hầm mộ.

Theo giáo sư khảo cổ học Josef Wegner, đây có thể là hầm mộ của vua Senaiib hoặc vua Paentjeni, những Pharaoh cai trị trong thời gian nói trên và hầm mộ của họ vẫn chưa được tìm thấy.

Ngoài lối vào có trang trí, hầm mộ có môt loạt căn phòng có mái vòm cao 5 m làm từ gạch bùn. Ngôi mộ có niên đại từ thời được biết là Thời kỳ chuyển tiếp thứ 2 của Ai Cập, kéo dài từ năm 1640 đến năm 1540 trước Công nguyên và kết nối thời kỳ Trung vương quốc Ai Cập với thời kỳ Tân vương quốc Ai Cập, khi các vị pharaoh Ai Cập nằm trong số những nhân vật quyền lực nhất khu vực.

Hầm mộ mới được phát hiện nằm trong tổ hợp mộ lớn hơn của một pharaoh quyền lực là Neferhotep I. Kiến trúc của ngôi mộ cho thấy có sự kết nối với các ngôi mộ hoàng gia của Trung vương quốc trước đó và Thời kỳ chuyển tiếp thứ 2 sau này. Đây có vẻ là ngôi mộ lớn nhất và được xây sớm nhất trong nhóm mộ của Triều đại Abydos.

PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-hien-ham-mo-lon-cua-mot-vi-pharaoh-ai-cap-co-dai-017698.htm
Zalo