Phát hiện gỗ sưa quý hiếm dưới suối thuộc vùng đệm Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng

Người dân địa phương mới phát hiện một cây gỗ sưa bị vùi lấp trong bùn đất, dưới suối, thuộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, cách vị trí phát hiện gốc sưa 'khủng' vào năm 2014 (đang được trưng bày ở Bảo tàng Quảng Bình) chỉ vài trăm mét.

Cây sưa được cơ quan chức năng đưa về chờ hướng xử lý.

Cây sưa được cơ quan chức năng đưa về chờ hướng xử lý.

Thông tin ban đầu, tối 17/5, trong lúc đánh bắt cá, người dân địa phương phát hiện một cây sưa đã chết từ lâu, bị vùi lấp trong bùn đất dưới suối.

Cây sưa vừa được phát hiện.

Cây sưa vừa được phát hiện.

Vị trí phát hiện cây sưa ở khu vực ngầm Bến Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc vùng đệm Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.

Người dân đã tìm cách đào cây lên để đem bán.

Nhận tin báo, trong đêm 17/5, lực lượng chức năng gồm Công an phối hợp với Kiểm lâm (thuộc Hạt Kiểm lâm Bố Trạch) có mặt tại hiện trường để xác minh, làm rõ vụ việc.

Người dân tổ chức khai quật cây sưa trong đêm.

Người dân tổ chức khai quật cây sưa trong đêm.

Đến sáng 18/5, cây gỗ sưa đã được lực lượng chức năng đưa về Trụ sở Công an xã Phúc Trạch để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền, chờ hướng xử lý.

Ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch cho biết: “Hiện chưa thể cân đo được vì cây đang ướt, bùn, cần phải vệ sinh sạch sẽ, khô ráo rồi mới cân đo được”.

Trước đó, vào tháng 3/2014, cũng tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, trong lúc đi đánh bắt cá, người dân cũng đã tình cờ phát hiện một gốc sưa có đường kính hơn 1m, dài gần 2m bị vùi lấp trong bùn đất. Họ đã gọi "đầu nậu" bán lấy tiền.

Khi đầu nậu tổ chức khai quật thì cơ quan chức năng phát hiện và "vào cuộc" thu hồi gốc sưa này.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng gốc sưa "khủng" này đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Quảng Bình.

Cây Sưa còn gọi là trắc thối, huê mộc vàng hay trắc hoa trắng (có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain), là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu (Fabaceae), thuộc gỗ nhóm IA, là một trong những loài gỗ quý hiếm. Trước đây, gỗ sưa mọc nhiều ở các dãy núi đá, đặc biệt, là ở Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, hiện nay, cây gỗ sưa đang ngày càng trở nên cực kỳ quý hiếm.

Minh Phương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-hien-go-sua-quy-hiem-duoi-suoi-thuoc-vung-dem-di-san-phong-nha-ke-bang-post548864.html
Zalo