Phát hiện dấu hiệu sự sống vô cùng mạnh mẽ ngoài Trái Đất
Một nhóm các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy tín hiệu về sự sống ở một hành tinh khác ngoài Trái Đất.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa công bố phát hiện được xem là bằng chứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay cho thấy khả năng tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khám phá này không đến từ hệ Mặt Trời của chúng ta, mà từ một hành tinh xa xôi có tên là K2-18b, nằm cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng.
Thông qua Kính viễn vọng không gian James Webb – một trong những công cụ quan sát vũ trụ hiện đại nhất hiện nay – các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai loại khí quan trọng trong bầu khí quyển của hành tinh này: dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS). Trên Trái Đất, những hợp chất này thường được tạo ra bởi các sinh vật sống, chủ yếu là vi khuẩn biển như tảo và thực vật phù du.

Việc phát hiện những dấu hiệu hóa học gắn liền với hoạt động sinh học đã khiến cộng đồng khoa học quốc tế không khỏi phấn khích. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng bày tỏ sự thận trọng trong tuyên bố của mình. Trong buổi họp báo mới đây, họ nhấn mạnh rằng: “Phát hiện lần này chưa phải là bằng chứng về sự tồn tại của sinh vật ngoài hành tinh, mà chỉ là tín hiệu về quá trình sinh học tiềm năng diễn ra trên hành tinh đó".
Tiến sĩ Nikku Madhusudhan, nhà vật lý thiên văn đến từ Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu đăng trên Tạp chí Astrophysical Journal Letters, cho biết: “Đây là một bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời. Chúng tôi đã chứng minh rằng việc phát hiện các dấu hiệu sinh học trên những hành tinh có thể sinh sống là hoàn toàn khả thi với công nghệ hiện tại. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của sinh học thiên văn quan sát".

Hành tinh K2-18b được xếp vào nhóm hành tinh khổng lồ, có kích thước lớn gấp 8,6 lần Trái Đất, và đặc biệt nó nằm trong một vùng được gọi là “vùng có thể sinh sống” hay còn gọi là “vùng Goldilocks”. Đây là khu vực quanh một ngôi sao nơi điều kiện nhiệt độ cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng – yếu tố then chốt để sự sống hình thành và phát triển.
Kể từ những năm 1990, các nhà thiên văn học đã xác định được khoảng 5.800 ngoại hành tinh – tức những hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời. Trong số đó, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến nhóm hành tinh Hycean – những thế giới được cho là được bao phủ bởi các đại dương nước lỏng và có thể hỗ trợ sự sống của vi sinh vật.
Madhusudhan lý giải: “Nếu K2-18b thực sự là một thế giới Hycean, thì chúng ta có thể đang nói đến sự sống vi khuẩn đơn giản, tương tự như vi sinh vật trong đại dương của Trái Đất. Chúng tôi chưa thể xác nhận sự hiện diện của các dạng sống đa bào hay sự sống thông minh ở thời điểm hiện tại. Mọi giả định vẫn chỉ xoay quanh những dạng sống cơ bản nhất".

Dù còn cần thêm nhiều nghiên cứu và quan sát tiếp theo, phát hiện lần này vẫn đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Nó mở ra khả năng rằng chúng ta không đơn độc trong vũ trụ – và rằng một thế giới sống khác có thể đang âm thầm tồn tại, ở cách xa Trái Đất hàng trăm năm ánh sáng.