Phát hiện ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên: Chủ động biện pháp ứng phó

Việt Nam đã phát hiện ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thông qua giám sát dịch tễ. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Để phòng chống dịch đậu mùa khỉ, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, sáng 3/10, Sở Y tế TP TP Hồ Chí Minh xác nhận đã xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn. Hiện, thông tin về ca mắc trên đã được báo cáo Bộ Y tế chờ bộ thông tin chính thức.

Sáng 3/10, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua hoạt động giám sát, ngành y tế TP đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ Y tế, chờ Bộ thông tin chính thức.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để nhanh chóng kiểm soát tình hình, Sở Y tế đang phối hợp với đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu. Đặc biệt, những hành khách đi từ vùng dịch về. Người nhập cảnh được giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính.

Sau khi điều tra, nếu người nhập cảnh được xác định là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) tổ chức truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thì thông báo ngay cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Đối với công tác sàng lọc, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.

Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh và hiện tiếp tục tăng cường công tác này.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác, các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó, xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn nốt. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.

Xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ là điều hoàn toàn có thể xảy ra

Liên quan đến công tác phòng, chống đậu mùa khỉ tại Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống, giám sát, phát hiện sớm, điều trị, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, ngay từ trước đó, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ tại Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra, “không có gì bất ngờ” khi đã mở cửa giao lưu đi lại giữa các nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nếu đó là ca bệnh nhập cảnh đã được phát hiện và cách ly thì nguy cơ lây lan không cao. Nên người dân không quá lo ngại bởi vừa qua một số nước châu Á cũng đã ghi nhận một vài ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng không bùng lên thành dịch. Quan trọng nhất hiện nay đối với các địa phương là phải tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu cũng như địa phương. Xác định chính xác ca mắc nhập khẩu hay nội địa để đánh giá được tình hình dịch nhằm đưa ra các ứng phó phù hợp.

“Bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Do đó, người dân cũng không nên quá lo lắng. Người dân cần phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ... khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Đồng quan điểm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, Việt Nam có ca nghi đậu mùa khỉ cũng không lạ. Quan trọng là yếu tố dịch tễ của trường hợp này. Tuy nhiên, theo tình huống của các nước có nhiều ca hay có vài ca thì khả năng lây dễ dàng ra cộng đồng là vô cùng khó. Cũng vẫn là MSM (nhóm quan hệ đồng giới)”.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-hien-ca-nghi-mac-dau-mua-khi-dau-tien-chu-dong-bien-phap-ung-pho.html
Zalo