Phát hiện 5 loài cầy quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam ở Thanh Hóa

Qua bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Xuân Liên, lực lượng chức năng phát hiện 5 loài cầy quý hiếm, trong đó Cầy vằn bắc có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Thông tin từ Vườn quốc gia Xuân Liên cho biết, với mục tiêu bảo tồn và phát triển các loài trong họ cầy (Viverridae) trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành 8 đợt điều tra thực địa với 8 đợt đặt bẫy ảnh được thiết lập trong khu vực nghiên cứu, phát hiện nhiều loài cầy, động vật quý hiếm.

Kết quả nghiên cứu của Dự án đã khẳng định, ở Vườn quốc gia Xuân Liên có phân bố 5 loài cầy quý hiếm: Cầy vằn bắc, vòi mốc, vòi hương, móc cua và gấm.

Cầy vòi mốc. (Ảnh Vườn quốc gia Xuân Liên).

Cầy vòi mốc. (Ảnh Vườn quốc gia Xuân Liên).

Ngay sau khi có hình ảnh các loài cầy, lực lượng kiểm lâm xác định các yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường sống và nguy cơ suy giảm quần thể của các loài trong họ cầy tại các tiểu khu rừng thuộc 4 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân.

Lực lượng kiểm lâm xây dựng 30 tuyến điều tra trên thực địa, sinh cảnh sống của các loài trong họ cầy, qua đó các kiểm lâm viên sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu bản đồ về quần thể, phân bố và sinh cảnh của các loài trong họ cầy.

Cầy móc cua.

Cầy móc cua.

Họ cầy (Viverridae) là nhóm thú đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới, chúng làm tổ ở hang, hốc cây, thức ăn là động vật nhỏ, gặm nhấm, chim, ếch, nhái, côn trùng... Trên thế giới, họ cầy có khoảng 33 loài trong 23 giống, thuộc 4 phân họ và có tới gần 350 phân loài khác nhau.

Loài Cầy vằn bắc có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Loài Cầy vằn bắc có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Loài Cầy vằn bắc (Chorotogale owstoni) có bộ lông vàng nhạt hoặc xám bạc và có nhiều đốm đen ở sườn và đùi, thức ăn gồm giun đất, quả cây, chuột, ếch, nhái, trứng chim. Đây là loài đã có tên trong sách đỏ Việt Nam, tại Vườn quốc gia Xuân Liên, xuất hiện tại các tiểu khu rừng 494 và 500.

Loài cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) nặng từ 3 - 5 kg, chiều dài thân 48 - 70 cm, bộ lông nền màu xám, thức ăn chủ yếu là trái cây rừng, côn trùng.

Cầy vòi hương được ghi nhận tại Vườn quốc gia Xuân Liên.

Cầy vòi hương được ghi nhận tại Vườn quốc gia Xuân Liên.

Cầy vòi hương sinh sản quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10, 11, 12, mỗi con lứa đẻ từ 2 đến 4 con. Tại Vườn quốc gia Xuân Liên, loài này xuất hiện tại các tiểu khu 497, 498, 489,494 và 520…

Cầy gấm.

Cầy gấm.

Nhằm bảo vệ các loài cầy quý hiếm, lực lượng chức năng Vườn quốc gia Xuân Liên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 11 thôn vùng đệm về bảo tồn các loài cầy, xây dựng trang thông tin về loài được thể hiện bằng tranh ảnh, cùng với đó tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ những động vật quý hiếm.

Tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên.

Vườn quốc gia Xuân Liên nổi tiếng với khu hệ động, thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín, xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam. Giới nghiên cứu, chuyên môn đánh giá là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm.

Theo kết quả điều tra, Vườn quốc gia Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu, quản lý gần 24.000ha rừng đặc dụng, thuộc địa phận hành chính 5 xã, thị trấn gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của cả nước.

Với hệ thực vật 1.228 loài, có 56 loài nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Hệ động vật với 1.811 loài, có 94 loài quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới bao gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-5-loai-cay-quy-hiem-co-ten-trong-sach-do-viet-nam-o-thanh-hoa-169250214203132161.htm
Zalo