Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương IV)

Trong thời gian này, ở nước ta đã có nhiều chùa (88 chùa) có những chùa lớn, có đến hàng trăm sư sở hữu nhiều ruộng đất thuê mướn điền nô hay phát canh thu tô. Một tổ chức tăng lữ có học thức và có thế lực về kinh tế đã hình thành.

CHƯƠNG 4: PHẬT GIÁO TỪ THỜI TIỀN LÝ NAM ĐẾ (544-548)

ĐẾN THỜI BẮC THUỘC THỨ BA (603-939)

Bối cảnh lịch sử

Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí còn gọi là Lý Bôn lãnh đạo nổ ra, nhân dân ta chưa đầy ba tháng đã quét sạch bè lũ đô hộ phong kiến nhà Lương. Năm 544 Lý Bí dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, tự xưng là Việt Nam đế. Lý Nam đế sắc xây dựng một ngôi chùa lớn, đặt tên là chùa Khai Quốc (mở nước).

Sau gần năm thế kỷ bị đô hộ, dân tộc ta bị áp bức bóc lột nặng nề và đứng trước nguy cơ bị đồng hóa, việc Lý Bí dựng nước xưng đế, đặt niên hiệu riêng là một việc rất có ý nghĩa, nó nói lên dân tộc ta là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự chủ và tự quyết định vận mệnh của mình.

Năm 545, nhà Lương đem quân sang xâm lược nước Vạn Xuân non trẻ. Cuộc kháng chiến của Lý Bí thất bại. Cơ đồ nhà Tiền Lý lâm nguy. Lý Nam đế giao cho Triệu Quang Phục cầm quân chống lại quân xâm lược. Quang Phục đánh thắng giành được chủ quyền. Lý Nam đế mất năm 548, được tin Lý Nam đế mất, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, tự xưng là Triệu Việt Vương (549-570).

Nền độc lập dân tộc được thiết lập nhưng chưa vững chắc, bởi đất nước trải qua năm thế kỷ bị đô hộ, nên đã hình thành những thế lực phong kiến cát cứ ở các địa phương. Tuy ý thức độc lập dân tộc đã mạnh, nhưng thực lực để bảo vệ nền độc lập, khối đoàn kết trong nội bộ dân tộc chưa đủ vững, do đó các thế lực phong kiến địa phương còn tranh giành, kèn cựa lẫn nhau.

Năm 557, Lý Phật Tử nổi lên đánh Triệu Việt Vương, lên làm vua tức là Hậu Lý Nam đế (571-602).

Năm 602, nhà Tùy bên Trung Quốc đem quân sang xâm lược nước ta. Hậu Lý Nam đế mang quân ra ứng chiến nhưng bị thất bại, bị bắt giải về Tùy.

Nước ta lại bị đô hộ lần thứ ba (603-939) phong kiến phương Bắc tăng cường chính sách thâm độc đồng hóa dân tộc ta.

Dưới triều nhà Tùy và nhà Đường, có hai phái Thiền tông của Trung Quốc du nhập nước ta:

Phái thứ nhất là phái Thiền Tì ni đa lưu chi truyền bá vào thế kỷ thứ VI.

Phái thứ hai là phái Thiền Vô Ngôn Thông, truyền bá vào đầu thế kỷ thứ IX.

Hình mang tính minh họa (ảnh: Internet).

Hình mang tính minh họa (ảnh: Internet).

Trong thời gian này, ở nước ta đã có nhiều chùa (88 chùa) có những chùa lớn, có đến hàng trăm sư sở hữu nhiều ruộng đất thuê mướn điền nô hay phát canh thu tô. Một tổ chức tăng lữ có học thức và có thế lực về kinh tế đã hình thành. Một số tăng sĩ đã vượt biển sang Tây Trúc học đạo thỉnh kinh, một số sang Trường An (Trung Quốc) thuyết pháp trong cung điện nhà Đường.

PHÁI THIỀN TÌ NI ĐA LƯU CHI (580-1216)

Thiền phái Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci) hiện diện ở Việt Nam cuối thế kỷ thứ VI. Thiền phái mang tên người sáng lập. Ngài là người Ấn Độ, dòng dõi Bà la môn, vân du qua Trung Quốc gặp Tổ Tăng Xán, sau khi liễu đạo, Tổ Tăng Xán truyền cho ngài đi về phương Nam hoằng dương Phật pháp. Theo Thiền uyển tập anh, Tì ni đa lưu chi nghe lời Đệ Tam Tổ Tăng Xán xuống phương Nam hành đạo, đã dịch các Kinh Tượng ĐầuNghiệp Báo Sai Biệt tại chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu. Thiền sư đến chùa Pháp Vân (làng Cổ Châu, Long Biên) vào tháng 3 năm Canh Tý (580) và ở đây cho đến năm 594 thì tịch. Khi đến chùa Pháp Vân ông bắt đầu dịch kinh Tổng Trì.

Thiền phái Tì ni đa lưu chi truyền thừa ở Việt Nam đến thế hệ thứ 19 thì chấm dứt.

Sách Thiền uyển tập anh cũng chép “…sư (tức Pháp Hiền) dựng chùa Chúng Thiện nhận truyền dạy học trò. Tăng đồ đến lưu học tại chùa có khi đông đến 300 người. Dòng thiền Nam phương hưng thịnh từ đó. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ từ lâu đã nghe tiếng người nước Nam này sùng chuộng đạo Phật, đã có bậc cao tăng đức vọng, bèn sai sứ đem xá lị Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng dàng. Sư bèn chia xá lị cho chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa có tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái để dựng tháp thờ”. (1)

Sư Pháp Hiền ta không rõ năm sinh, chỉ biết ngài mất năm Bính Tuất (626) niên hiệu Đường Vũ đế thứ 9 tức là thế kỷ VII.

Thiền phái Tì ni đa lưu chi, bằng việc dịch kinh Tổng Trì, một loại kinh về Mật giáo, cho thấy thiền phái này chứa đựng các yếu tố Mật giáo.

Mật giáo là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ (giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức). Giai đoạn này bắt đầu từ thế kỷ thứ IV, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ VI, đến thế kỷ VIII được hệ thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim Cương Thừa (Vajrayàna). Từ Kim Cương Thừa xuất hiện nhiều hệ thống Mật giáo, trong đó có hệ thống Shajayàna mà giáo lý và thực hành rất giống với thiền.

Tóm lại, thiền phái Tì ni đa lưu chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên trọng về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy, sấm vĩ. Thiền phái Tì ni đa lưu chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Đây là một thiền phái có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ (2).

Đến đời nhà Lý, Lý Thái Tông (1028-1054) có làm bài kệ truy tán thiền sư Tì ni đa lưu chi. Kệ rằng:

Cõi Nam đầu bước tới

Nghe đã đượm màu thiền

Tin Phật mong thâm rộng

Nguồn lòng khéo hợp duyên

Non già lồng bóng nguyệt

Cõi nhà nức mùi sen

Họp mặt chừng bao ta

Cùng nhau giảng lẽ huyền.

(Nguyễn Trọng Thuật dịch)

Năm 618, nhà Tùy đổ, nhà Đường lên kế nghiệp. Dưới chính quyền đô hộ nhà Đường, Phật giáo ở nước ta tiếp tục lan tỏa vào các tầng lớp dân chúng. Vua Cao Tổ nhà Đường lại khuyến khích thêm, gửi cho Nam Việt 5 hòm xá lỵ và sắc xây thêm chùa tháp.

Lúc này, có nhiều vị danh tăng người Thiên Trúc thường qua lại nước ta, ở lại một thời gian thuyết pháp cho dân chúng.

Cuốn Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Trịnh có nói đến 12 tăng sĩ đã từng qua Giao Châu để truyền bá đạo Phật đi làm ba đoàn.

Đoàn thứ nhất có ba người:

- Minh Viễn pháp sư

Tên hiệu bằng chữ Phạn là Chấn Đa Đề Bà ở Ích Châu (tỉnh Tứ Xuyên), học kinh Phật từ thuở nhỏ rất chăm chỉ, khi lớn lên, lại tham khảo cả Trang, Chu. Pháp sư tu thiền ẩn dật ở Lô Sơn (Hồ bắc).

Từ Lô Sơn, Pháp sư đi về phương Nam, qua Giao Chỉ (Bắc Việt) đến Quasa ( Java) Tích Lan tới Nam Thiên Trúc để truyền bá đạo Phật.

- Huệ Mạnh thiền sư

Người quê ở Kinh Châu (Hồ Bắc) rất tinh thông Phật pháp có ý định đến Chiêm Thành, nhưng thuyền gặp bão phải ghé vào Thượng Kinh (Trung Việt) rồi trở về Trung Quốc.

- Vô Hành thiền sư

Tên hiệu chữ Phạn là Bát nhã đề bà (Brajanadava) quê ở Giang Lăng (Hồ Bắc) đi hành đạo khắp Trung Quốc, sau về ẩn trong núi, chuyên trì kinh: Pháp Hoa Tam Muội. Sau Pháp sư sang miền Cửu Giang và Tam Việt (Ngô Việt, Mân Việt, Nam Việt).

Đoàn thứ hai có ba người đều là người Trung Hoa:

- Đàm Nhuận pháp sư

Quê ở Lai Dương, Pháp sư vượt sông Dương Tử đi về phía Nam đến Giao Châu ở lại thuyết pháp, được tín đồ rất hâm mộ, rồi qua Thiên Trúc.

- Trí Hoằng pháp sư

Người Lỗ Giang (Hồ Bắc) thông hiểu đạo Phật từ nhỏ, lớn lên đi du lịch khắp Trung Quốc, qua Đông Âu gặp Vô Hành thiền sư cùng đến Hợp Phố (Quảng Đông) rồi cùng xuống thuyền để qua Trung Ấn, nhưng thuyền gặp bão phải đỗ lại Thượng Kinh (Trung Việt). Được ít lâu, hai Pháp sư về Trung Ấn và ở đó 8 năm.

- Tăng già Bạt ma (Sanghavarman)

Người nước Khương, được sắc lệnh theo một sứ giả đến Bồ đề đạo tràng. Sau được chỉ dụ qua Giao Chỉ tìm các bảo vật. Lúc này Giao Chỉ đang bị mất mùa đói kém, bảo vật chẳng có, mà là cứu đói, nhưng việc cứu đói do quan chức địa phương làm một cách tắc trách, dân chúng bị khổ cực, nên Pháp sư động lòng từ bi, nước mắt chan hòa mà không làm gì hơn được. Dân chúng gọi Pháp sư là Bồ Tát hay khóc.

Đoàn thứ ba có 6 người đều là người Việt Nam: 4 người gốc ở Giao Châu, 2 người ở Ái Châu (Thanh Hóa).

- Vận Kỳ thiền sư

Người ở Giao Châu thường đi hành đạo với pháp sư Đàm Nhuận, thông hiểu tiếng Phạn.

- Mộc xoa Đề bà

Quê ở Giao Châu, đã đến Bồ đề đạo tràng cúng dàng xá lợi đức Phật.

- Khuy Xung pháp sư

Tên hiệu chữ Phạn là Chất đát la đề bà (Citrasiva) người Giao Châu, là đệ tử pháp sư Minh Viễn, cùng Minh Viễn đến Tích Lan bằng đường biển, qua Tây Ấn, Trung Ấn.

Pháp sư thông hiểu Phật pháp qua tiếng Phạn, đã qua thành Vương Xá vào yết kiến Bồ đề thọ.

- Huệ Diệm pháp sư

Quê Giao Châu, đệ tử của Vô Hành pháp sư, qua Tích Lan rồi ở luôn đó.

- Trí Hành thiền sư

Pháp sư qua Trung Ấn, hành hóa khắp nơi, sau đến phía Bắc Gan Ga tu ở chùa Tín Giả và tịch ở đó lúc hơn 50 tuổi.

- Đại Thặng Đăng thiền sư

Tên hiệu chữ Phạn là Ma Ha Gia Na Bát Địa (Mahayana Pradipa) quê ở Ái Châu (Thanh Hóa), lúc nhỏ theo bố mẹ qua xứ Đỗ hòa La bát Đề (Dvaravati) sau theo một sứ giả về kinh đô Trung Hoa, thụ giới với Đường Huyền Trang. Thiền sư thông hiểu nhiều kinh điển, quyết chí đến Bồ đề đạo tràng, nên vượt biển đến Thiên Trúc. Thiền sư qua Tích Lan, qua Đông Ấn, Nam Ấn rồi dừng chân ở xứ Da Ma Lập đề (Tamralipti) 12 năm, do đó thiền sư thông thạo tiếng Phạn đã dịch nghĩa bộ Duyên Sinh Hận và dịch nhiều kinh sách khác. Sau đó, thiền sư cùng với Nghĩa Trịnh thiền sư đến Trung Ấn thăm chùa Na lan đà, rồi cùng Vô Hành pháp sư qua nước Cu chi. Cuối cùng ông mất ở Bát Niết Bàn tự (Parinỉvana) tại Câu Xá thành lúc hơn 60 tuổi.(3)

Trong thời gian này có nhiều pháp sư Ấn Độ và Trung Quốc đến nước ta, trong nước cũng có nhiều tăng sĩ đi ra nước ngoài đến các Phật địa tìm đạo. Do đó, mà thông hiểu cả chữ Phạn và chữ Hán. Những Pháp sư Ấn Độ và Trung Quốc đến Giao Châu thường cộng tác với pháp sư ta dịch kinh chữ Phạn. Nước ta lại có một số các vị danh tăng thường xướng họa với các đại thi hào nhà Đường, khi họ viếng thăm.

Cuốn Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn có ghi lại một số bài thơ của mấy nhà đại thi hào đời Đường xướng họa với mấy vị cao tăng nước ta khi các vị này qua Trung Quốc. Những bài thơ này cuốn Loại hàm Anh ngữ của Trung Hoa cũng đã ghi chép lại.

Nhật Nam tăng

Quê ở quận Nhật Nam, khi trụ trì ở một ngôi chùa trong hang núi bên Trung Hoa, thì nhà thi hào Trương Tịch đề tặng một bài thơ:

Sơn Trung tặng Nhật Nam tăng

Núi thẳm một mình ẩn

Cửu trùng đôi cánh gài

Lá chuối biên kinh cũ

Bóng mây rụng áo dài

Lật đá khơi ngòi giếng

Soi rừng tỉa giống gai

Khi gặp khách Nam Hải

Tiếng Mường biết hỏi ai?

(Thượng tọa Thích Mật Thể dịch)

Vô Ngại thiền sư

Thiền sư tu ở chùa Sơn Tĩnh, hạt Cửu Châu (Thanh Hóa) thời đó là đời nhà Đường (Võ Hậu 685) có thi hào tên là Thẩm Thuyên Kỳ qua thăm nước ta, vào yết kiến Ngài, tự xưng là đệ tử và làm bài thơ tặng Thiền sư:

Yết Cửu Châu Sơn tĩnh tự, Vô Ngại Thượng nhân

Dịch:

Phật xưa sinh ở Tây Thiên

Mà nay xuất hiện ở miền Nhật Nam

Thoát vòng phiền não cõi phàm

Thảnh thơi dưới núi Già Lam một tòa

Ngọn khe chép núi lân la

Hương là cổ sát, đá là thần am

Chim xanh chực, vượn trắng dòm

Sớm mai giảng kệ, chiều hôm tham thiền

Mấy từng mây quấn đá chen

Giây leo chân vách, hòa lên mặt đầm

Thiên nhiên sẵn thú tuyền lâm

Rừng phơi áo giặt, suối dầm nước hương

Phận hèn học kém đáng thương

Tiếc vì chưa hiểu Y vương thế nào

Hổ Khê một bữa nay sao

Dầu non đổ xuống cây cao một cành

(Thượng tọa Thích Mật Thể)

Phụng Đình pháp sư

Pháp sư được mời sang Trung Quốc giảng kinh trong cung vua Đường. Khi ra về có đại thi hào Trung Quốc Dương Cự Nguyên tặng một bài thơ tiễn biệt:

Tống Phụng đình pháp sư quy An Nam

Dịch:

Sư về Nam Việt chốn quê nhà

Mây ngàn trắng xóa dặm muôn xa

Tạ trời từ giã đàn kinh giáo

Tìm Phật gặp ở bể hương hoa

Thanh Phàm bóng in làn sóng nước

Hỏa thành vui ngắm lớp Yên hà

Thắng cảnh Trường An khi sực nhớ

Tiếng chuông chùa cũ thuở trăng tà.

(Nguyễn Trọng Thuật)

Duy Giám pháp sư

Pháp sư cũng được mời sang Trung Quốc giảng kinh trong cung vua Đường, ở lại Trung Quốc đến già mới trở về nước. Khi ra về, thi hào Trung Quốc là Cổ Đảo tặng Pháp sư một bài thơ tiễn biệt:

Tống An Nam Duy Giám pháp sư

Dịch:

Giảng kinh trong điện nhà vua

Mưa hoa trời trước thơm tho ngự sàng

Mấy lần vượt sóng bể Nam

Già nua về chốn cổ san quê nhà

Quản bao mưa gió xông pha

Hồi hương càng đượm màu đa càng dày

Kia kìa bể nước trời mây

Xa xăm chưa dĩ hàng ngày trao tin.

(Nguyễn Trọng Thuật)

Qua những bài thơ trên, chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam dưới triều nhà Đường đã được phổ biến sâu rộng trong dân chúng, đã có những vị cao tăng được các đại thi hào Trung Quốc biết tiếng và kính trọng, được vua nhà Đường mời sang Trường An, kinh đô Trung Quốc, giảng kinh trong cung điện.

Mặt khác cũng phải thấy sự cai trị của nhà Đường đối với nước ta rất hà khắc, dã man, dân ta sống rất cơ cực, nên chính quyền đô hộ chủ mưu bành trướng Phật giáo, lợi dụng Phật giáo, biến tôn giáo này thành một lợi khí để an ủi vỗ về dân ta. Thời bấy giờ, không chịu nổi những nỗi khổ cực, nhân dân ta đã dấy lên nhiều cuộc khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Mai Hắc Đế (722) ở Hoan Châu (Nghệ An), khởi nghĩa Bố Cái đại vương (790) ở Đường Lâm (Sơn Tây), ngoài ra, trong 10 năm liền, quân Nam Chiếu vào quấy nhiễu nước ta, quân giặc ngoài đảo Côn Lôn và Đồ Bà vào cướp bóc (767). Dân chúng rất khổ sở. Quan lại đô hộ càng lợi dụng Phật giáo, làm niềm an ủi dân ta phận sống trong cảnh loạn ly, đói kém, để cầu được về cực lạc ở một kiếp sau.

PHÁI THIỀN VÔ NGÔN THÔNG (820-1221)

Năm 820, sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam lập nên thiền phái mang tên ngài. Vô Ngôn Thông họ Trịnh, quê Quảng Châu. Sang Việt Nam sư ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Bắc Ninh). Tại đây ngoài hai bữa cơm cháo, ngài dành hết thời giờ vào việc thiền tọa, không nói năng gì, ít ai để ý đến ngài, duy chỉ có Lập Ðức thấy phong thái đặc biệt của Vô Ngôn Thông nên hết lòng chăm sóc. Do vậy Lập Đức tiếp nhận được tông chỉ màu nhiệm của Vô Ngôn Thông, được ngài đổi thành Cảm Thành và truyền tâm pháp. Thiền sư mất năm 826; cư trú tại chùa Kiến Sơ 6 năm.

Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền thừa đến thế hệ 17 thì chấm dứt.

Vô Ngôn Thông từng tu học trong tu viện của Bách Trượng, đã đem Thanh quy của thiền viện do Bách Trượng sáng tác áp dụng vào Việt Nam (4). Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Thuyết đốn ngộ được căn cứ trên quan niệm tâm địa, nguyên tắc Vô đắc (nghĩa là không có đối tượng của sự giác ngộ, sự giác ngộ phải tự mình thực hiện), sử dụng Thoại đầu (đó là một câu nói hay mẩu đối thoại có tác dụng thúc đẩy hay làm phát khởi sự đạt ngộ nơi tâm tư thiền giả) một phương pháp được bắt đầu từ thế kỷ IX.

Thiền học Vô Ngôn Thông không có màu sắc Mật giáo, nhưng ảnh hưởng của Mật giáo trong thiền phái đó do ngài lập ra cũng khá quan trọng. Có thể thấy điều này ở các thiền sư Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải và Nguyện Học.

Tuy nhiên thiền học Vô Ngôn Thông lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tịnh Độ giáo. “Thiền phái Vô Ngôn Thông được truyền thừa trong thời gian 4 thế kỷ (từ đầu thế kỷ IX đến thế kỷ XIII), trong khi thiền phái Tì ni đa lưu chi có một lịch sử truyền thừa dài 6 thế kỷ (từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII). Thiền phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo Trung Hoa hơn thiền phái Tì ni đa lưu chi. Ảnh hưởng này được thấy trong lối trình bày lịch sử Thiền, trong lối tổ chức tu viện, trong việc sử dụng thoại đầu, và ở chỗ ảnh hưởng của Tịnh Ðộ giáo. Các thiền sư trong thiền phái này thay vì chỉ dùng các kinh Bát Nhã, đã sử dụng rất nhiều các kinh điển khác như kinh Viên Giác, Pháp Hoa, họ nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộvô đắc vốn rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam phương Trung Hoa (tức phái thiền do Lục Tổ Huệ Năng đứng đầu). Nhưng khác với thiền phái Trung Hoa, thiền phái này, cũng như thiền phái Tì ni đa lưu chi, đã rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.” (5).

Phật giáo truyền bá vào Việt Nam ở thời điểm dân tộc Việt Nam trong vòng nô lệ của phương Bắc. Con đường Phật giáo đi vào Việt Nam là con đường hòa bình. Do mang trong mình tinh thần “khế lý khế cơ”, “tùy duyên phương tiện”, Phật giáo sớm hòa đồng với văn hóa, tâm linh của người Việt, tạo nên Phật Tứ pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện). “Hiện tượng ngày nay còn phát hiện các chùa hệ thống Tứ Pháp ở Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên xung quanh địa bàn gốc Dâu chứng tỏ sơn môn Dâu đã phát triển khắp quận Giao Chỉ tức phần lãnh thổ phía Bắc thuộc đồng bằng sông Hồng thế kỷ II đến thế kỷ VI ” (6). Cùng với sự xuất hiện của Vô Ngôn Thông ở chùa Kiến Sơ là sự ra đời của sơn môn Kiến Sơ.

Thiền phái Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông sau khi có mặt ở Việt Nam cùng với thời gian đã có sức lan tỏa rất lớn. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo luôn biết tiếp nhận văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, không tạo nên sự chống đối. “Như vậy, khi Phật giáo lan tràn rộng rãi, các quan hệ gia đình, quốc gia, các yếu tố tín ngưỡng bản địa và mọi trật tự kinh tế, xã hội vẫn ổn định. Các thiền viện lại đều theo thanh quy của Tổ Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn) mà tham gia lao động chân tay, tự sản xuất một phần lương thực. Hẳn vì thế mà đạo Phật được tiếp nhận tương đối dễ dàng. Sự lắp ghép này không có gì khó khăn lắm mà lại nương tựa vào nhau, tạo thành một loại Phật giáo độc đáo ở Việt Nam” (7).

Thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo và Đạo giáo dù xuất hiện cùng với Phật giáo (hiểu một cách tương đối) nhưng còn giữ vị trí khá khiêm tốn trong đời sống chính trị-văn hóa- xã hội ở Việt Nam. Trong khi đó do có sức lan tỏa trong các tầng lớp xã hội ở Việt Nam, đặc biệt do lấy làng Việt làm cơ sở (đất vua, chùa làng) nên Phật giáo giữ vai trò chủ đạo trong việc ảnh hưởng đến chính trị-văn hóa-xã hội. “Từ cuối thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền của xứ “An Nam đô hộ phủ”, tức đất nước ta ngày ấy. Đã xuất hiện một lớp cao tăng người Việt, trong đó nhiều người đã đến Trung Quốc, xuống Nam Dương, sang Ấn Độ, hiểu rộng, biết nhiều, kiêm thông Hán - Phạn, có thể coi là những trí thức đương thời. Và lực lượng Phật giáo các nhà sư và các tín đồ, đã thực sự tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc, đứng vào hàng ngũ nhân dân chống áp bức, giành lại nền độc lập cho đất nước.” (8).

Tất cả những đặc điểm trên của Phật giáo Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc đã vừa là đặt nền móng, vừa là tạo cơ duyên cho Phật giáo Việt Nam bước vào thời kỳ mới, thời kỳ độc lập dân tộc thế kỷ thứ X. Ở đó thể hiện rõ nhất là Phật giáo thời đại Đinh và Tiên Lê.

Cảm Thành thiền sư

Thiền sư quê ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Khi xuất gia lấy tên là Lập Đức, trụ trì ở một ngôi chùa trong huyện nhà. Thời bấy giờ, ở làng Phù Đổng, một nhà hào phú mến phục đức hạnh của Lập Đức đổi gia trạch ra làm chùa và rước Lập Đức về trụ trì. Chùa đó là chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Nhà sư Lập Đức về chùa được ít lâu thì Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc đến, thấy Lập Đức có đức hạnh, liền ở lại chùa. Lập Đức phụng thờ Vô Ngôn Thông rất thành kính, Vô Ngôn Thông cảm kích lòng thành của Lập Đức bèn đặt lại tên là Cảm Thành thiền sư.

Một hôm, Vô Ngôn Thông bảo Cảm Thành rằng: “Xưa kia, Đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời. Khi nhân duyên đã chu tất, ngài sắp vào Niết Bàn. Ngài bèn truyền tâm ấn cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp là đệ tử của ngài. Ma Ha Ca Diếp trở thành sư tổ của Thiền tông. Từ Ma Ha Ca Diếp đến ngài Đạt Ma đại thiền sư là tổ thứ 28 ở Tây Thiên; Ngài Đạt Ma vượt biển sang Đông Độ, trải nhiều gian nan trèo đèo lội suối truyền được tâm Pháp cho đệ tam tổ Tăng Xán. Tăng Xán truyền cho đệ tử là Đạo Tín. Đạo Tín truyền cho đệ ngũ tổ là Hoàng Nhẫn, Hoàng Nhẫn truyền cho đệ lục tổ là Huệ Năng. Từ sư tổ Đạt Ma đến lục tổ Huệ Năng, trao truyền chính pháp đều lấy y bát làm minh chứng.

Về sau, Phật pháp truyền bá sâu rộng, mà y bát là giữ nguyên từ nhà Phật (một hiện tượng) dễ khiến sinh ra tranh chấp, nên Lục tổ không truyền y bát nữa mà chỉ truyền tâm pháp mà thôi. Lục tổ truyền tâm pháp cho Nam Nhạc thiền sư, Nam Nhạc truyền cho Mã Tổ thiền sư, Mã Tổ truyền cho Bách Trượng thiền sư.

Thời bấy giờ, ở phương Bắc, đạo Phật hưng thịnh, và có nhiều vị cao tăng. Nay ta xuống phương Nam tìm thiện tri thức để truyền chính pháp. Nay gặp được ngươi ở đây cũng là bởi nhân duyên. Vậy ngươi hãy nghe ta đọc bài thơ sau này:

Chư phương hạo hạo

Vọng tự tuyên truyền

Vị ngô thủy tổ

Thân tựa Tây Thiên

Truyền pháp nhãn tạng

Mục vị chi Thiền

Nhất hoa ngũ diệp

Chủng tử miên miên

Tiềm phù mật ngữ

Thiên vạn hữu duyên

Hàm vị tâm tôn

Thanh tịnh bản nhiên

Tây thiên thử độ

Thử độ Tây thiên

Cổ kim nhật nguyệt

Cổ Kim sơn xuyên

Xúc đồ thành trệ

Phật tổ thành oan

Sai chi hào ly

Thất chí bách thiên

Nhữ thiện quan sát

Mạc khiểm nhi tôn

Trực nhiên vấn ngã

Ngã bản vô ngôn

Dịch:

Các nơi đồn thổi

Quấy quá huyên truyền

Rằng Phật tổ ta

Gốc ở Tây Thiên

Truyền pháp nhãn tạng

Gọi là Đạo Thiền

Một hoa năm lá

Hạt giống liên miên

Một lời mầu nhiệm

Duyên phúc muôn nghìn

Ấy là Tâm tôn

Yên lặng bản nhiên

Tây Phương là đây

Đây là Tây Phương

Mặt trời mặt trăng

Núi sông xưa nay

Chậm đường là trệ

Phật tổ thành oan

Sai đi một mảy

Lối đến trăm ngàn

Người khéo xem xét

Chớ để phàn nàn

Ta không nói nữa

Đừng có hỏi han”.

Cảm Thành thiền sư nghe lời thầy dạy trong bài kệ, thấu hiểu lẽ mầu nhiệm và ngộ đạo ngay.

Năm 860 Cảm Thành tịch, truyền tâm pháp cho Thiện Hội thiền sư.

Thiện Hội thiền sư

Thiền sư quê ở huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Lúc nhỏ học ở chùa làng, lớn lên xuất gia lấy tên hiệu là Tổ Phong, đi khắp nơi tìm thầy học đạo. Khi đến chùa Kiến Sơ thì gặp Cảm Thành thiền sư và xin ở lại học. Sau mười năm tu học thì ngộ đạo, bèn trở về trụ trì ở chùa làng, chùa Định Huyền.

Phật sử ghi chép rằng: Một hôm Thiền sư vào phòng thầy hỏi thầy rằng: “Trong kinh Phật nói Đức Như Lai tu hành trải vô số kiếp mới thành Phật, thế mà Thầy cứ dạy rằng Tâm tức Phật, Phật tức Tâm là nghĩa thế nào? Đệ tử không hiểu xin thầy dạy rõ cho”.

Thiền sư Cảm Thành trả lời:

- Người bảo trong kinh Phật nói thì là ai nói đó? - Vậy lời ấy không phải là Phật thuyết ư?

- Lời ấy đâu phải là Phật thuyết. Trong Kinh Văn Thù Phật có nói: “Ta trụ ở thế gian, dạy chúng sinh 49 năm, chưa từng đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ.”

- Vì theo chính đạo, nếu lấy văn tự làm bằng chứng để cầu đạo ấy là nợ, lấy sự khổ hạnh để cầu đạo ấy là mê, lìa tâm ra mà cầu Phật ấy là ngoại đạo, mà cố chấp cái Tâm ấy là Phật, cũng lại là ma vậy.

- Nếu bảo Tâm ấy tức là Phật, thì trong Tâm ấy cái gì là Phật, cái gì không phải Phật?

Ngày xưa có người hỏi Mã Tổ rằng: “Nếu bảo tâm ấy là Phật thì trong Tâm ấy cái gì là Phật”.

Mã Tổ trả lời rằng: Thế ông ngờ tâm ấy cái gì không phải là Phật, ông chỉ vào đấy cho tôi xem. Người ấy không trả lời được.

Mã Tổ lại nói tiếp: “Đạt được thì khắp mọi nơi, chỗ nào cũng là Phật, mà không đạt được, thì cứ sai lầm mãi mãi. Thế là chỉ vì một lời nói che đi mà thành ra sai lầm đó thôi. Người đã hiểu chưa?”.

- Như vậy đệ tử hiểu rồi.

- Ngươi hiểu thế nào?

- Đệ tử hiểu rằng, khắp hết mọi nơi chỗ nào cũng là tâm Phật cả. Nói thế rồi ngài sụp xuống lạy.

Cảm Thành thiền sư nói: Thế là ngươi hiểu đến nơi rồi đó. Cảm Thành bèn đặt cho tên hiệu là Thiện Hội, ngộ đạo rồi Thiện Hội về trụ trì ở chùa làng (chùa Dịch Huyền) và sau này tịch tại chùa đó.

Thiện Hội truyền tâm pháp cho đệ tử là Văn Phong, người huyện Từ Liêm, tức là tổ thứ ba dòng Vô Ngôn Thông vậy.

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.

***

Chú thích:

(1). Châu Phong: Vùng Phú Thọ, Sơn Tây; Châu Hoan: Vùng Nghệ An; Châu Trường: Vùng Ninh Bình; Châu Ái: Vùng Thanh Hóa.

(2). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.111.

(3). PGS. Nguyễn Duy Hinh, Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn giáo và Nxb Từ điển Bách khoa, 2009, tr 58-59.

(4). Hiện nay các chùa và tu viện lớn có đồ chúng tu học tại Việt Nam vẫn còn theo Sắc tu Bách Trượng Thanh quy.

(5). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.137.

(6). PGS. Nguyễn Duy Hinh: Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr. 46.

(7). PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Thượng tọa Thích Thọ Lạc (Đồng chủ biên): Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học xã hội, 2010, tr.73.

(8). PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Thượng tọa Thích Thọ Lạc (Đồng chủ biên):

Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Sđd, tr.59.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-viet-nam-tu-khoi-nguyen-den-nam-1981-chuong-iv.html
Zalo