Phật giáo và Truyền thông: Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững
Vào ngày 12-9 vừa qua, Hội nghị Truyền thông Phật giáo Quốc tế do Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC) và Tổ chức Quốc tế Vivekananda (VIF) tổ chức, đã diễn ra tại trụ sở VIF ở thủ đô New Delhi với chủ đề 'Truyền thông chánh niệm để tránh xung đột và phát triển bền vững'.
Sự kiện về chủ đề truyền thông này đã thu hút hơn 200 đại biểu, trong đó có 47 khách mời từ nước ngoài, bao gồm các nhà báo nổi tiếng của 20 quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có các diễn giả là những người làm truyền thông Phật giáo và các tôn giáo khác, giáo sư của các khoa báo chí, chủ sở hữu các hãng phương tiện truyền thông, những người lãnh đạo trong việc hỗ trợ truyền thông cho các tu viện Phật giáo và người đứng đầu Bộ Thông tin và Quan hệ công chúng của một số quốc gia trên thế giới.
S. Gurumurthy, Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế Vivekananda, trong bài phát biểu chính tại hội nghị, đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa triết học và ý thức hệ. Ông cho rằng triết học mang mọi người đến với nhau, trong khi ý thức hệ lại giả định một vị thế độc quyền so với thế giới này. “Triết học chấp nhận rằng người khác cũng có thể đúng, nhưng ý thức hệ lại tuyên bố chắc nịch rằng bạn sai và tôi đúng”, Gurumurthy chia sẻ.
Hơn nữa, ông còn chỉ ra rằng thế giới đương đại đang bị xáo trộn bởi nhiều mối xung đột phức tạp, hận thù và những thông tin sai lệch. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ ràng về nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này; từ đó mới có thể nắm bắt được những hiện tượng này xuất phát từ đâu để giải quyết cho triệt để”.
Cũng trong sự kiện này, Arvind Gupta, Giám đốc của VIF, đã nêu lên tầm quan trọng của suy nghĩ và hành động trong việc khôi phục các giá trị của nền văn minh nhân loại. Ông cho biết, trong nhiều năm qua, các học giả Ấn Độ giáo và Phật giáo đã có cơ hội tập trung thảo luận về các vấn đề xoay quanh khái niệm Pháp (Dhamma). Đặc biệt, Phật pháp tập trung vào bản chất của khổ đau, các nguyên tắc đạo đức và con đường đưa đến ngộ. Đây là tư tưởng triết học sâu sắc mà mọi người cần nên học tập và phát huy.
Cùng chung quan điểm đó, Bhaichung Bhutia, cựu đội trưởng Đội tuyển bóng đá quốc gia Ấn Độ và là khách mời danh dự tại sự kiện, đã chia sẻ rằng cá nhân ông xem Phật giáo như một lối sống. “Giáo lý của Đức Phật rất phổ quát và mang thông điệp của hòa bình và vị tha. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hòa bình cho thế giới; và chính truyền thông sẽ là phương tiện hữu ích đối với việc truyền bá Phật giáo đến với mọi nơi trên toàn thế giới”.
Hội nghị còn thảo luận về một số vấn đề như “Thiết lập mạng lưới truyền thông và mạng xã hội Phật giáo”, “Môi trường và sự phát triển bền vững”, “Vai trò của giao tiếp và truyền thông trong thế kỷ XXI” và “Ứng dụng truyền thông chánh niệm trong việc tránh xung đột”.
Tổng Thư ký IBC, Shartse Khensur Rinpoche Jangchup Choeden, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy dẫn dắt thế giới với sự chân thành, lòng từ bi và sự vị tha - những thuộc tính quan trọng trong giáo lý của Đức Phật. Trong thời điểm tham lam và xung đột đang gia tăng, ngài nhấn mạnh: “Việc áp dụng lời dạy của Đức Phật vô cùng cần thiết”. Ngài cũng đề nghị giới truyền thông phải tập trung lan tỏa những nghĩa cử tốt đẹp, các giá trị đạo đức và những lời dạy của các bậc giác ngộ để cân bằng giữa các thông tin tiêu cực và tích cực.
Abhijit Halder, Tổng Giám đốc IBC, cho biết sự kiện đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà lãnh đạo Phật giáo, và họ cũng hy vọng rằng IBC sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo với quy mô lớn hơn. Abhijit nói thêm: “Đã đến lúc thế giới nên tiếp thu những lời dạy của Đức Phật trong việc tránh xung đột và phát triển bền vững”.
Gupta kết luận rằng sự chấp thủ và chủ nghĩa vật chất cực đoan được khuyến khích bởi tư duy của phương Tây là nguồn gốc của nhiều vấn đề trong thế giới hiện đại. Ông cho rằng cần có những tư tưởng thay thế và nhấn mạnh rằng Phật giáo, với triết lý và tầm nhìn phong phú và đúng đắn, có thể trở thành tư tưởng chủ đạo để xây dựng một thế giới hòa bình và bền vững.
Hội nghị đã mở ra một diễn đàn để thảo luận và suy ngẫm về cách giáo lý của Đức Phật có thể mang lại những giải pháp mới mẻ cho các vấn đề hiện tại của nhân loại, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông trong việc truyền bá thông điệp của hòa bình, lòng từ bi, và sự hiểu biết của Phật giáo trong xã hội hiện đại.