Phật giáo Malaysia dưới góc nhìn lịch sử và văn hóa

Hướng đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 tại Việt Nam, Giác Ngộ online giới thiệu về Phật giáo các nước, các châu lục trên thế giới, những truyền thống Phật giáo sẽ cùng hội ngộ tại TP.HCM vào tháng 5-2025.

Tại nhiều quốc gia châu Á, bản sắc Phật giáo thường gắn liền với một cộng đồng dân tộc và truyền thống nhất định. Nhưng ở Malaysia, điều này đặc biệt hơn vì Phật giáo ở đây có sự giao thoa giữa nhiều nhóm dân tộc khác nhau như người Thái, Sri Lanka, Myanmar và Trung Quốc, cùng với ba truyền thống lớn: Theravāda, Đại thừa và Kim Cương thừa. Sự đa dạng này khiến Phật giáo tại Malaysia trở nên phong phú và linh hoạt hơn.

Phật giáo tại Malaysia có thể bắt nguồn từ các tuyến giao thương gia vị, đi qua eo biển giữa bán đảo Malaya và Sumatra trước Tây lịch. Những tuyến đường này kết nối các trung tâm thương mại ở châu Á và châu Phi với Trung Quốc, song song với Con đường tơ lụa – tuyến giao thương xuyên Trung Á từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Sự giao thoa của hai tuyến đường này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều cửa ngõ thương mại trên cả đất liền và đường biển, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, trong đó có cả sự truyền bá Phật giáo.

Chư Tăng thuộc nhiều truyền thống Phật giáo tại Malaysia

Chư Tăng thuộc nhiều truyền thống Phật giáo tại Malaysia

Sự ảnh hưởng Phật giáo sớm nhất tại Malaysia chủ yếu đến từ Ấn Độ và vương quốc Srivijaya cổ đại – một trung tâm Phật giáo lớn tại Indonesia hiện nay. Ngài Nghĩa Tịnh từng mô tả nơi đây có “hơn một nghìn Tăng sĩ khác tuân thủ giới luật Phật giáo chính thống y hệt như ở Ấn Độ”. Vương quốc này được biết đến với công trình Phật giáo vĩ đại Borobudur tại Java, Indonesia.

Lembah Bujang, thuộc bang Kedah ở phía Bắc bán đảo Malaya (thuộc Malaysia hiện nay), là minh chứng rõ ràng cho sự hiện diện của Phật giáo tại khu vực này. Các cuộc khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng Phật, hình ảnh điêu khắc và các bản khắc Phật giáo có niên đại từ thế kỷ V TL. Đáng chú ý, vào năm 2011, Chính phủ Malaysia công bố phát hiện dấu vết của một ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ I TL - di vật cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á từng được biết đến. Điều này làm dấy lên những tranh luận mới về vị trí của Svarnabhumi (Vùng Đất vàng), nơi mà theo truyền thuyết, Hoàng đế Asóka đã gửi sứ giả truyền bá Phật giáo vào thế kỷ III TTL. Hiện mới chỉ có 10% trong tổng số 90 di chỉ khảo cổ tại Lembah Bujang được khai quật, mở ra tiềm năng phát hiện thêm nhiều bằng chứng quan trọng khác.

Theo sử liệu, Hoàng đế Asóka đã phái các sứ giả đến 9 vùng đất khác nhau để truyền bá Phật giáo, trong đó có Svarnabhumi. Các sứ giả đến đây là hai vị Thánh tăng Sona và Uttara. Một số học giả đặt giả thuyết rằng khi kết hợp tên của hai vị này sẽ tạo thành “Sona-Uttara”, gợi liên tưởng đến “Sumatra” – tên một hòn đảo lớn của Indonesia. Trong khi Sri Lanka (Thambapanni) có mối liên kết chặt chẽ với Hoàng đế Asóka thông qua câu chuyện của ngài Mahinda – con trai của vua Asóka – thì các quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia cũng tuyên bố đất nước của họ là Svarnabhumi để khẳng định mối liên kết lịch sử chính thống được truyền thừa trong lịch sử Phật giáo. Ngược lại, Malaya (Malaysia) và Sumatra (Indonesia) chưa từng đưa ra tuyên bố nào tương tự, đa phần là do hiện tại, Malaysia là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ tại Lembah Bujang có thể đặt khu vực này vào vị trí tiềm năng hơn cả trong việc xác định vị trí của Svarnabhumi thực sự.

Lembah Bujang là điểm dừng chân quan trọng của các thương nhân Ấn Độ trên hành trình đến Trung Quốc. Đây không chỉ là nơi nghỉ ngơi và tiếp tế lương thực mà còn là trung tâm trao đổi hàng hóa, dẫn đến sự hình thành các làng Ấn Độ tại khu vực này. Điều này kéo theo sự du nhập của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, thể hiện qua những di vật khảo cổ được tìm thấy.

Ảnh hưởng của người Hoa và Vương quốc Melaka

Làn sóng Phật giáo tiếp theo đến Malaya gắn liền với sự định cư của người Hoa tại Vương quốc Melaka, trung tâm thương mại quan trọng vào thế kỷ XV. Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia có từ thời nhà Lương (502–557), nhưng bằng chứng về những cộng đồng người Hoa đầu tiên trên bán đảo chỉ xuất hiện từ giữa thế kỷ XIV đến XV. Điều đó được thể hiện qua truyền thuyết về cuộc hôn nhân giữa một công chúa Trung Hoa và quốc vương Melaka. Tuy nhiên, mặc dù có sự hiện diện của các cộng đồng Hoa và Ấn tại đây, không có bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của các ngôi chùa Phật giáo trong thời kỳ Vương quốc Melaka (1400–1511). Điều này có thể là do sự cai trị của người Bồ Đào Nha sau năm 1511, những người nổi tiếng với chính sách khắc nghiệt đối với các tôn giáo phi Kitô giáo, như đã từng xảy ra ở Sri Lanka.

Phải đến thời kỳ Hà Lan chiếm đóng (từ năm 1641), dấu tích Phật giáo mới xuất hiện rõ nét hơn với việc xây dựng Thanh Vân Đình (青云亭) vào năm 1645 tại Melaka. Ngôi chùa này không chỉ là trung tâm thờ Bồ-tát Quan Âm mà còn đóng vai trò giải quyết tranh chấp trong cộng đồng người Hoa. Người Hà Lan, dù có xu hướng truyền giáo, nhưng không cưỡng ép cải đạo mạnh mẽ như người Bồ Đào Nha, điều này giúp Phật giáo có cơ hội phát triển trở lại.

Thời kỳ thực dân Anh và sự phát triển của các ngôi chùa lớn

Vào thế kỷ XIX, khi người Anh mở rộng khai thác thiếc và trồng cao su tại Malaya, họ khuyến khích các làn sóng di cư lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka để đáp ứng nhu cầu lao động tại đây. Những người di cư đem theo cả tín ngưỡng và tôn giáo của họ đến vùng đất mới. Trong bối cảnh đó, Phật giáo phát triển mạnh mẽ cùng với sự hình thành các cộng đồng người Hoa.

Một trong những công trình tiêu biểu của giai đoạn này là chùa Kek Lok Si tại Penang, được xây dựng vào năm 1893. Đây được xem là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á, nổi bật với tượng Quan Âm khổng lồ và kiến trúc hoành tráng. Nhiều ngôi chùa được xây dựng trong giai đoạn này đã có sự giao thoa giữa Phật giáo và Đạo giáo, điều này phản ánh tín ngưỡng truyền thống của người Hoa. Đến những năm 1990, nhận thức về sự khác biệt giữa hai tôn giáo này trở nên rõ ràng hơn, dẫn đến sự thành lập Liên đoàn các Hiệp hội Đạo giáo Malaysia nhằm xác định rõ Đạo giáo như một tôn giáo riêng biệt.

Phật giáo Đại thừa

Phật giáo Đại thừa tại Malaysia đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực hoằng pháp, phúc lợi xã hội và thiền định. Trong quá khứ, các hoạt động chủ yếu tập trung vào nghi lễ và nghi thức, nhưng với sự xuất hiện của các Tăng sĩ đến từ Trung Quốc và Đài Loan như các ngài Khanh An ((鏗安), Trúc Ma ((竺摩), Tiết Kim Minh (薛金明), v.v., đã tạo ra sự thay đổi lớn trong phong trào Phật giáo Đại thừa.

Sự phát triển này còn được thúc đẩy bởi các nhà sư địa phương năng động như các ngài Kế Trình (继程), Văn Khánh (文庆), Duy Ngộ (惟悟), v.v. Nhờ sự lãnh đạo của họ, nhiều tổ chức Phật giáo mạnh mẽ đã được thành lập, bao gồm Hiệp hội Phật giáo Malaysia, Hiệp hội Phật giáo Penang, Tam Trí Đường, chùa Thanh Tường, Hội Phật giáo Đài Loan, Quan Âm Tự tại Selangor, chùa Hoch Beng, Wisma Buddhist, Tham Wah Wan, v.v. Những tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp và thu hút sự tham gia của giới trẻ.

Thiền tập

Thiền tập

Hiện nay, Phật giáo Đại thừa là nhóm Phật tử lớn nhất tại Malaysia, phần lớn chịu ảnh hưởng từ các tổ chức Phật giáo Đài Loan như Phật Quang Sơn, Từ Tế, Pháp Cổ Sơn, Hải Đạo, Amitofo Care Center, v.v. Ngôn ngữ giảng dạy tại các chùa Đại thừa chủ yếu là tiếng Quan thoại. Hiệp hội Thanh niên Phật giáo Malaysia thành lập năm 1971, bao gồm hơn 250 hội thanh niên Phật giáo, trong đó hơn 80% thuộc truyền thống Đại thừa.

Hệ thống giáo dục cũng phản ánh sự phân biệt giữa các truyền thống: Phật tử Đại thừa chủ yếu theo học tại các trường tiếng Quan thoại, trong khi Phật tử Nguyên thủy thường được giáo dục bằng tiếng Anh hoặc tiếng Malay. Hiệp hội Phật giáo Malaysia quản lý Viện Phật giáo Malaysia tại Penang, còn Phật Quang Sơn điều hành Trung tâm Đông Chân tại Selangor.

Ngoài ra, Phật giáo Nhật Bản tại Malaysia chủ yếu hiện diện qua Nichiren Soshu và Soka Gakkai Malaysia. Soka Gakkai tổ chức nhiều sự kiện công cộng lớn nhưng ít liên kết với các nhóm Phật giáo khác.

Phật giáo Kim Cương thừa là nhánh phát triển nhanh nhất ở Malaysia, nhờ các chuyến thăm của những bậc thầy danh tiếng như Gyalwa Karmapa, Dalai Lama, Lama Zopa Rinpoche, v.v. Hiện có nhiều trung tâm Kim Cương thừa thuộc Hội đồng Phật giáo Kim Cương thừa Malaysia với 20 tổ chức thành viên. Các nghi lễ thu hút đông đảo người tham dự, và trong lĩnh vực từ thiện, Kechara Soup Kitchen là tổ chức tiêu biểu hỗ trợ người vô gia cư.

Phật giáo Theravāda

Dhammikarama, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Miến Điện đầu tiên tại Malaysia, được xây dựng năm 1803 tại Penang bởi một nữ nhà từ thiện người Miến Điện. Các nhà sư Myanmar đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá thiền Vipassanā, đặc biệt theo phương pháp Mahasi và Pa-Auk. Phương pháp thiền Mahasi phổ biến nhất nhờ ngài Phra Khru Dhammadpanchanvud tại Trung tâm Thiền định Phật giáo Malaysia ở Penang. Ngoài ra, phương pháp thiền Goenka cũng thu hút đông đảo người dân địa phương và quốc tế.

Với sự gia tăng của lực lượng lao động nhập cư Myanmar tại Malaysia, nhiều trung tâm Phật giáo mới đã được thành lập để phục vụ cộng đồng này. Hiện có khoảng 30 nhà sư Myanmar tại Malaysia, trong đó ngài Pannavamsa là một cao tăng nổi tiếng tại đây.

Phật giáo Thái Lan cũng có mặt từ lâu tại Malaysia. Wat Chaiyamangularam, được xây dựng năm 1845 tại Penang, là một trong những ngôi chùa Thái đầu tiên, nổi tiếng với tượng Phật nằm lớn thứ ba thế giới. Hiện có khoảng 90 chùa lớn và 100 đền thờ nhỏ của người Thái tại Malaysia, chủ yếu ở Kedah, Kelantan và Perak. Những ngôi chùa này phục vụ cộng đồng Thái tại Malaysia (khoảng 80.000 người) và cả người dân địa phương.

Người Sri Lanka cũng có đóng góp đáng kể. Ngôi chùa đầu tiên của họ, Taiping Bodhiyangkaram, được xây dựng năm 1885 tại Perak. Các chùa quan trọng khác gồm chùa Maha Vihara Brickfields (1894), chùa Phật giáo Sri Lanka Sentul (1917) và chùa Mahindarama Penang (1918). Hiện tại, có khoảng 30 nhà sư Sri Lanka tại Malaysia.

Các nhà sư Sri Lanka có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Phật tử nói tiếng Anh tại Malaysia thông qua giảng pháp, xuất bản sách, tổ chức trường học Chủ nhật và công tác xã hội. Những nhân vật nổi bật gồm ngài K. Gunaratana, K.Sri Dhammananda, Ananda Mangala, H. Gunaratana, B. Sri Saranankara, v.v. Hai tổ chức phúc lợi lớn trong cộng đồng này là Hội Phúc lợi Tiratana và Quỹ Maha Karuna.

Hiện nay, Phật tử chiếm khoảng 19% dân số (28 triệu người) của Malaysia. Phật giáo tại Malaysia, với bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Từ những dấu chân đầu tiên của các nhà truyền giáo Ấn Độ, đến sự hội nhập của các cộng đồng Hoa, Thái, Miến và Tây Tạng, Phật giáo đã vượt qua bao thăng trầm để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi các tôn giáo khác đang nỗ lực truyền bá mạnh mẽ, Phật giáo Malaysia cần một sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Đó không chỉ là việc duy trì các nghi lễ, mà còn là sự sáng tạo trong cách tiếp cận, đặc biệt là với thế hệ trẻ – những người đang sống trong thời đại của công nghệ và toàn cầu hóa.

Thiện Quang tổng hợp

Nguồn: Michael K Jerryson, The Oxford Handbook of Contemporary Buddhism (New York, NY: Oxford University Press, 2017), 258-273.

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-giao-malaysia-duoi-goc-nhin-lich-su-va-van-hoa-post75339.html
Zalo