Phát động học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Ngày 5/10, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe mô-tô, xe gắn máy an toàn đầu năm học 2024-2025'.

Học sinh, sinh viên diễu hành hưởng ứng tháng hành động an toàn giao thông.

Học sinh, sinh viên diễu hành hưởng ứng tháng hành động an toàn giao thông.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố.

Lễ phát động đã thu hút hơn 20 nghìn học sinh, sinh viên tham gia với nhiều hoạt động bổ ích như phổ biến về pháp luật về an toàn giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, các bạn học sinh cũng được tham gia vào hoạt động diễu hành hết sức sôi động.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Lê Kim Thành nhấn mạnh: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã xác định việc ngăn chặn thương vong do tai nạn giao thông đối với thanh, thiếu niên là một trong những mục tiêu phát triển của đất nước. Vì vậy, học sinh, sinh viên cần tích cực học tập, tìm hiểu, thực hành để nắm vững, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông, trang bị những kiến thức, kỹ năng và các giá trị văn hóa giao thông an toàn làm hành trang cùng các em đi đến tương lai.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị, học sinh, sinh viên luôn đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Đồng thời, các em chấp hành quy tắc giao thông khi đi bộ, đi xe đạp hay xe đạp điện; không lái ô-tô, xe máy khi chưa có Giấy phép lái xe; lựa chọn xe buýt công cộng, tàu điện trên cao để đi học, đi chơi; chủ động xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh miền bắc ký cam kết trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông năm học 2024-2025.

Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh miền bắc ký cam kết trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông năm học 2024-2025.

Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt cho biết: Công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông. Học sinh, sinh viên vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục an toàn trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tập trung thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh năm học 2024-2025.

Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục phổ thông cho học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm thiểu chấn thương nếu bị tai nạn giao thông; học sinh đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để nhà trường phối hợp Công an địa phương kiểm tra, quản lý.

Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt phát biểu tại buổi lễ.

Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt phát biểu tại buổi lễ.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông.

Đáng chú ý, các Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ hằng tháng; tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện hoạt động đưa đón học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô-tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, chất lượng; thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.

Các nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân... để các em học sinh, sinh viên nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề trong học tập, cuộc sống ... tăng sự an toàn khi tham gia giao thông...

Dịp này, đại diện lãnh đạo của năm Sở Giáo dục và Đào tạo và năm trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh miền bắc tới dự và ký cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông năm học 2024-2025. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trao tặng 500 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-dong-hoc-sinh-sinh-vien-chap-hanh-phap-luat-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-post834978.html
Zalo