Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ các định hướng hợp tác với thành viên G7 trên nhiều khía cạnh.
Theo lời mời của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani, từ ngày 15-20/7/2024 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn Việt Nam có chuyến công tác tại Italia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng. Hội nghị là cơ hội quý báu để Italia và Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong thương mại toàn cầu và cũng là dịp để hai nước cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng quốc tế bền vững và ổn định.
Hội nghị sẽ do Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani chủ trì. Nhóm G7 bao gồm các nước: Italia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Bên cạnh Bộ trưởng của các nước thành viên G7, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng còn có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại và các quan chức Chính phủ từ: Ấn Độ, New Zealand, Argentina, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam cũng như đại diện từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu kéo dài trong khoảng 10 phút, tập trung vào các ưu tiên hợp tác với các nước thành viên G7 mở rộng trên nhiều khía cạnh như: Đa dạng chuỗi cung cứng; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng...
Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7:
Thưa Ngài Antonio Tanjani, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia;
Thưa các Bộ trưởng và quý vị đại biểu.
Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Ngài Phó Thủ tướng Antonio Tanjani đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Chúng tôi cũng đánh giá cao tính thời sự của chủ đề Hội nghị hôm nay.
Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tự do hóa thương mại được xem như một giải pháp quan trọng, động lực chủ yếu cho sự phát triển. Gần 40 năm qua, từ một nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành 1 trong 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới; thuộc top 20 về thương mại quốc tế, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 45 về Chỉ số đổi mới sáng tạo.
Những năm qua, Việt Nam luôn duy trì mức tăng GDP khá cao và ổn định; giai đoạn 2021 - 2023 đạt trung bình 5,5%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt 6,5% - 7,0%.
Các thành tựu trên có được là do Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, và ngoại lực là quan trọng đột phá; đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp chiến lược: về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ góc độ một quốc gia đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam cho rằng thế giới ngày nay cần hợp tác chặt chẽ, thực chất trên một số mặt:
Thứ nhất, cần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn. Kiên trì hợp tác đa phương, coi đó là chìa khóa để giải quyết mọi thách thức phức tạp nảy sinh. Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 vào tháng 02 năm nay về củng cố Hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, bao trùm, tự do và công bằng với WTO là trung tâm. Việt Nam ủng hộ WTO trong thúc đẩy thảo luận các lĩnh vực trọng tâm như trợ cấp thủy sản và nông nghiệp.
Cùng với G7, Việt Nam tái khẳng định cam kết ủng hộ mọi nỗ lực và sáng kiến cải tổ WTO trên cả 03 phương diện: Giám sát, Đàm phán và Giải quyết tranh chấp; mong muốn các nước G7 đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong giải quyết dứt điểm sự bế tắc của Cơ quan Phúc thẩm (AB).
Thứ hai, trước xu thế gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trợ cấp hoặc dựng lên các hàng rào kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm thay thế hàng nhập khẩu, Việt Nam kêu gọi G7 và các đối tác ngay lập tức hạn chế lập các rào cản thương mại, nhất là biện pháp phi quan thuế làm gián đoạn các chuỗi cung ứng đối với những mặt hàng thiết yếu.
Thứ ba, hãy cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, linh hoạt và bền vững, bởi đó được xem như “huyết mạch” của mọi nền kinh tế, có vai trò quan trọng, bảo đảm dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ thông suốt. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết phải: (1) Đa dạng hóa nguồn cung và thị trường; (2) Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển dịch vụ logistics; (3) Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam mong muốn hợp tác với các thành viên G7 trên các khía cạnh:
Một là đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Việt Nam đánh giá cao việc G7 triển khai các sáng kiến về: Chuỗi cung ứng bền vững G7 (năm 2021); Đối tác Thúc đẩy chuỗi cung ứng tự cường, bao trùm của G7 - RISE (năm 2023) và thành lập Nhóm công tác G7 về Chuỗi cung ứng vận tải (tháng 4 năm nay).
Về phần mình, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị kết thúc đàm phán 3 FTA với các đối tác quan trọng tại Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông để thiết lập các chuỗi cung ứng mở, ổn định và lâu dài. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký trụ cột II trong Khuôn khổ IPEF liên quan đến Sức chống chịu của chuỗi cung ứng cùng 13 đối tác. Với những cơ chế nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang có nhiều lợi thế, cũng như cơ hội tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp G7 để từng bước tham gia sâu và hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu.
Hai là, về đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển dịch vụ logistics: Nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là vô cùng lớn, trong khi các nước đang phát triển rất hạn chế, cả về nguồn vốn và công nghệ và kinh nghiệm quản trị. Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của các Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII) và đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc cung cấp tài chính xanh và hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông và hạ tầng công nghệ.
Ba là, về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng: G7 là nhóm quốc gia đi đầu về sáng chế, ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế số - xã hội số. Chúng tôi mong muốn G7 và các đối tác tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thiết thực cho việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển nâng cao khả năng chống chịu thích ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Về phần mình, Việt Nam cam kết tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp G7 đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam, bởi thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo lời mời của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn công tác Việt Nam có chuyến công tác tại Italia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7. Đây là cơ hội quý báu để Italia và Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong thương mại toàn cầu và cũng là dịp để hai nước cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng quốc tế bền vững và ổn định.
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Italia có đại diện của Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.
Tại Italia, bên cạnh các hoạt động chính, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong Đoàn công tác sẽ có các buổi gặp gỡ, làm việc song phương với các đơn vị đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực châu Âu.