Pháp: Tân Thủ tướng giúp tháo gỡ bế tắc chính trị
Sau loạt đàm phán đầy khó khăn và bất ngờ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố người được ông chọn làm thủ tướng mới, tạm thời tháo gỡ được thế bế tắc chính trị kéo dài hơn 1 tháng qua, kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội vòng 2 đầu tháng 7.
Bế tắc chính trị sau bầu cử
Tổng thống Emmanuel Macron đã gây sốc cho nước Pháp khi kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội bất thường vào tháng 6 dẫn đến tình trạng quốc hội bị đình trệ và bối cảnh chính trị bị chia rẽ sâu sắc. Sau vòng 1 cuộc bầu cử, nước Pháp một phen lo lắng khi đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) giành chiến thắng và tràn đầy hy vọng thành lập chính phủ. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi hẳn sau vòng 2 cuộc bầu cử, với chiến thắng thuộc về liên minh cánh tả do đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) dẫn đầu.
Tuy nhiên, cục diện chính trị lại rơi vào thế so kè, Quốc hội Pháp chia thành 3 khối gần như bằng nhau - phe cánh tả giành được 188 ghế, phe trung dung được 161 ghế và phe cực hữu 148 ghế - không khối nào chiếm được đa số tuyệt đối (289 ghế) để đứng ra thành lập chính phủ. Một cuộc đàm phán đầy khó khăn bắt đầu và kéo dài hơn 1 tháng qua, mỗi khối đều để cử người của mình ra làm thủ tướng, nhưng cuối cùng không khối nào đạt được thành công.
Trong suốt mùa hè bế tắc chính trị, ông Macron mất nhiều tuần để bắt đầu thừa nhận rằng ông đã “thất bại” trong cuộc bầu cử. Đảng trung dung của ông đã mất ghế và tụt từ vị trí là nhóm lớn nhất trong quốc hội xuống nhóm thứ hai, sau liên minh cánh tả. Sau vòng 2 cuộc bầu cử vào tháng 7, Tổng thống Macron đã kéo dài thời gian bổ nhiệm thủ tướng mới lên tới gần 2 tháng, chưa từng có kể từ Thế chiến 2. Người ta cho rằng ông Macron đã tìm cách bảo vệ di sản của mình và bảo vệ các cải cách được ông thực hiện trong những năm gần đây. Một số người xung quanh ông Macron lập luận rằng nước Pháp nói chung đã chuyển sang cánh hữu, mặc dù liên minh cánh tả giành được nhiều ghế nhất.
Hạ tuần tháng 8, cuộc đàm phán để chọn thủ tướng mới chính thức bắt đầu. Sau 2 ngày đàm phán, ông Macron quyết định không chọn ứng cử viên của đảng Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và vấp phải sự tức giận, đe dọa luận tội. Thay vào đó, ông Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng mới.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 26/8, Điện Elyseé mô tả các cuộc thảo luận là “công bằng, chân thành và hữu ích” nhưng không đưa đến một giải pháp khả thi. Ông Macron giải thích về quyết định của mình rằng một chính phủ được thành lập bởi liên minh cánh tả NFP - bao gồm đảng LFI, đảng Xã hội (PS), đảng Xanh (EELV) và đảng Cộng sản (PCF) - sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức và sự sụp đổ của chính phủ.
Việc bổ nhiệm ông Michel Barnier đã khiến phe cánh tả thất vọng, giờ đây họ sẽ tìm cách lật đổ ông bằng một động thái bất tín nhiệm.
Lãnh đạo đảng Xã hội Olivier Faure, một phần của liên minh cánh tả giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử, cho biết việc ông Macron bổ nhiệm một thủ tướng từ đảng đứng thứ tư là “phủ nhận nền dân chủ”. Faure cho biết: “Chúng ta đang bước vào cuộc khủng hoảng chế độ”. Jean-Luc Mélenchon, thuộc đảng cánh tả LFI, cho biết cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” khỏi người dân Pháp.
Có vẻ như ông Macron đang trông cậy vào đảng NR của bà Marine Le Pen để giữ ông Barnier tại vị bằng cách bỏ phiếu chống lại động thái bất tín nhiệm. RN đã chỉ ra rằng họ sẽ không tự động bỏ phiếu bác bỏ ông Barnier và sẽ chờ xem ông sẽ đưa ra chương trình gì trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội.
Người tận tụy vì sự nghiệp châu Âu
Ông Barnier được biết đến trong gần 50 năm trong nền chính trị cánh hữu của Pháp với tư cách là một người theo chủ nghĩa trung dung, theo chủ nghĩa tự do, theo chủ nghĩa tân Gaullist, tận tụy vì sự nghiệp châu Âu. Ông đã phục vụ 2 nhiệm kỳ với tư cách là ủy viên EU và xử lý các cuộc đàm phán khó khăn về việc Anh rời khỏi EU. Ông cũng từng là bộ trưởng dưới thời chính quyền cánh hữu của các Tổng thống Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh đề cử của ông, nói rằng bà biết ông Barnier “luôn quan tâm đến lợi ích của châu Âu và nước Pháp”.
Ông đã đàm phán một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết về việc Anh rời khỏi EU và ông thích sự đồng thuận hơn là những cuộc đấu đá chính trị. Nhưng, ông Barnier phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất của mình với tư cách là thủ tướng mới của Pháp trong bối cảnh đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Liên minh cánh tả cho biết việc bổ nhiệm ông là phi dân chủ và ông nên bị hạ bệ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong khi đó, phe cực hữu của bà Marine Le Pen cho biết họ sẽ kiềm chế và đánh giá ông dựa trên chương trình của ông trước. Nhưng, 2 nghị sĩ cực hữu gần đây đã mô tả ông Barnier, hiện là thủ tướng lớn tuổi nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp, là một "hóa thạch" theo phong cách Công viên kỷ Jura và là "Joe Biden của Pháp" liên tục thay đổi ý định.
Vào năm 2021, ông đã khiến giới quan sát sửng sốt khi chuyển hẳn sang cánh hữu và cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư và an ninh như một phần của nỗ lực không thành công nhằm trở thành ứng cử viên tổng thống cánh hữu đối đầu với ông Macron vào năm 2022.
Vào thời điểm đó, Barnier tuyên bố rằng tình trạng nhập cư không được kiểm soát từ bên ngoài EU đang làm suy yếu ý thức về bản sắc của Pháp. Ông tin rằng cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU của Anh cho thấy những nguy cơ khi để các chia rẽ xã hội tiếp tục phát triển.
Ông cũng khiến nhiều người ở Brussels sốc khi kêu gọi Pháp hoãn lệnh nhập cư từ 3 đến 5 năm đối với những người nhập cư không phải người châu Âu, theo đó ngay cả những thành viên gia đình nhập cư cũng sẽ bị ngăn chặn và kêu gọi Pháp giành lại chủ quyền hợp pháp từ các tòa án EU.
Tuy nhiên, nhìn chung, quan điểm chính trị của ông Barnier gần giống với lập trường ủng hộ doanh nghiệp và ủng hộ châu Âu của ông Macron. Ông Macron muốn có một thủ tướng không cố gắng hủy bỏ các biện pháp gây tranh cãi được thúc đẩy trong những năm gần đây, đặc biệt là việc tăng tuổi nghỉ hưu khiến phe cánh tả tức giận. Tổng thống cũng muốn đảm bảo rằng luật nhập cư cứng rắn của ông không bị can thiệp.
Sinh ra ở vùng ngoại ô của thành phố Grenoble thuộc dãy Alps của Pháp, ông Barnier đã dành trọn tâm huyết cho khu vực Savoie của dãy Alps. Ông từ lâu đã tự coi mình là một chính khách lão thành đáng tin cậy - một nhà leo núi và đi bộ đường dài từ dãy Alps, người đã xây dựng sự nghiệp của mình trong chính trường làng địa phương, thích đi bộ trong những khu rừng cổ xưa và nói rằng điều quan trọng đối với các chính trị gia hàng đầu là “yêu cây cối”.
Lần đầu tiên được bầu làm ủy viên hội đồng địa phương ở Savoie khi 22 tuổi, ông bước vào quốc hội khi mới 27 tuổi vào năm 1978. Ông đã 4 lần giữ chức bộ trưởng trong chính phủ và 2 lần làm ủy viên EU. Với tư cách là ủy viên thị trường nội địa và dịch vụ, ông đã đàm phán một quy định mới toàn diện về thị trường tài chính sau cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Mặc dù được coi là tương thích với Tổng thống Macron, nhưng ông Barnier đã chỉ trích Tổng thống Pháp trong thời gian gần đây, đặt câu hỏi về quyết định của tổng thống khi triệu tập một cuộc bầu cử sớm đầy rủi ro vào tháng 6 và gọi cách điều hành đất nước theo kiểu từ trên xuống của ông Macron là “cô lập” và “kiêu ngạo”. Năm 2022, khi phe trung dung của ông Macron mất đa số tuyệt đối trong quốc hội nhưng vẫn là lực lượng lớn nhất, ông Barnier cho biết “chủ nghĩa Macron” đang ở giai đoạn cuối.
Năm 2022, sau khi ông Macron được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ông Barnier kêu gọi phe trung dung “chuyển từ văn hóa kiêu ngạo sang văn hóa thỏa hiệp”. Bây giờ, trong một quốc hội chia rẽ giữa 3 nhóm đối địch, tân Thủ tướng Barnier cần phải chỉ ra cách thức “văn hóa thỏa hiệp” đó có thể hoạt động như thế nào. Các nhóm đối thủ trong quốc hội có thể đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm và quốc hội có thể lại bị giải tán trong vòng chưa đầy một năm để tổ chức bầu cử mới. Như ông Barnier thường thích nhận xét trong các cuộc đàm phán Brexit, thời gian đang trôi đi.
Năm nay 73 tuổi, ông Barnier là thủ tướng lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại. Ông cho biết nhiệm vụ đầu tiên của ông là “phản ứng tốt nhất có thể với những thách thức, sự tức giận, cảm giác bị bỏ rơi và bất công đang quá phổ biến ở các thành phố, khu điền trang và vùng nông thôn của chúng ta”.
Ông cho biết ưu tiên của chính phủ sẽ là giáo dục, cũng như an ninh và kiểm soát nhập cư. Ông nói: “Chúng ta mong đợi gì ở một thủ tướng? Họ nói sự thật, ngay cả khi điều đó khó khăn - sự thật về nợ nần và sự thật về nợ môi trường, vốn đè nặng lên vai con em chúng ta”.
Ông cho biết sẽ tiếp cận vai trò này với “sự khiêm tốn và quyết tâm” và hứa sẽ “hành động nhiều hơn lời nói”.
Phản ứng trước tin tức về việc bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng Pháp, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng tôi chúc ông mọi điều tốt đẹp nhất trong vai trò mới của mình. Nước Anh có mối quan hệ bền chặt với Pháp... Chúng tôi cam kết hợp tác thực hiện các ưu tiên chung, từ giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp đến hỗ trợ Ukraine”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì chúc ông Barnier “mạnh mẽ và thành công trong mọi nhiệm vụ sắp tới”. Ông cho biết: “Hai quốc gia của chúng ta gắn kết với nhau theo một cách rất đặc biệt - hai đối tác mạnh mẽ ở trung tâm châu Âu. Tôi mong muốn chính phủ của chúng ta tiếp tục hợp tác để định hình tình hữu nghị Pháp-Đức vì lợi ích của hai quốc gia và châu Âu”.
Steve Baker, cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ, từng là Bộ trưởng Brexit và Chủ tịch Nhóm nghiên cứu châu Âu, nói với báo chí: “Tôi chúc ông mọi điều tốt đẹp. Ông chắc chắn sẽ cần điều đó vì ông sẽ phải bận rộn với chính phủ. Ông Michel Barnier chắc chắn là một chính trị gia rất lịch sự, có thẩm quyền và rất hoàn hảo. Tôi chắc chắn ông ấy sẽ đảm nhiệm vai trò này với kỹ năng và năng khiếu tuyệt vời, nhưng liệu điều đó có tốt cho mối quan hệ giữa Anh và Pháp hay không lại là chuyện khác”. Cựu Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker nói với hãng tin AFP rằng lời khuyên của ông sẽ là: “Michel thân mến, hãy bình tĩnh!”.