Pháp luật phục vụ người dân - Mục tiêu của đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Chiều 9/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã thông tin về giải pháp để cải tiến nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như triển khai pháp luật, đồng thời phòng chống hành vi tham nhũng chính sách và lợi ích nhóm.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trả lời câu hỏi của báo chí về nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trả lời câu hỏi của báo chí về nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP

Cụ thể, trả lời câu hỏi của PV về giải pháp để cải tiến nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như triển khai pháp luật, đồng thời phòng chống hành vi tham nhũng chính sách và lợi ích nhóm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đến từng bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan, từng tổ chức để thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội có văn bản số 15 ngày 29/10/2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 868 ngày 25/10/2024 về đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trong thời gian tới, để cải tiến và nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, đồng thời phòng chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm… Chính phủ đang quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt các định hướng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong công tác xây dựng pháp luật; nâng cao nhận thức về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật và tập trung kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh lại tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, với tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa những quy định của Nghị định, của Thông tư vốn là những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và của các bộ, ngành. Và không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, về trình tự, về hồ sơ.

Trong lần rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa rồi, có rất nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật. Nhưng rất nhiều vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, trình tự, hồ sơ… vốn là những nội dung, lĩnh vực có thể tìm bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Mục tiêu vươn tới của các luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, duy trì và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội, thích ứng với sự phát triển của xã hội. Luật phải minh bạch và dễ tiếp cận, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.

Trước mắt, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo các bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ nhất, luật mới sẽ bổ sung một số nguyên tắc kiểm soát trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời; xác định rõ và tăng cường vai trò thẩm quyền của các chủ thể tham gia xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; đảm bảo nguồn lực đổi mới cơ chế phân bố, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh định hướng mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này sẽ sửa đổi và đổi mới toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ khâu lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đến khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định rồi thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay từ khâu chương trình xây dựng pháp luật mà Chính phủ trình Quốc hội, cần bám sát hai yêu cầu: Một là phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, trên cơ sở những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần phải tháo gỡ. Những vấn đề mới, những thực tiễn phát triển chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; hay những chủ trương mới của Đảng mà chúng ta thể chế hóa chưa kịp thời hoặc chưa thể chế hóa, Chính phủ sẽ xây dựng các chương trình xây dựng pháp luật để trình Quốc hội.

Chương trình xây dựng pháp luật phải thể chế hóa được đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở của thực tiễn, bám thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý và khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội đang bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại. Tạo cơ sở pháp lý để hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.

Chương trình xây dựng pháp luật cũng phải tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề còn mới, xu hướng mới như cuộc cách mạng 4.0 hay trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Theo Thứ trưởng Oanh, hiện tại có rất nhiều vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội chúng ta có thể áp dụng cơ chế: Một là, sửa đổi và điều chỉnh điều luật để khắc phục ngay tình trạng chồng chéo giữa các luật cần tháo gỡ.

Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta phải đảm bảo 3 yêu cầu: Thứ nhất, bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian chi phí; nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật. Thứ hai, bảo đảm đánh giá tác động chính sách một cách thực chất. Thứ ba, bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động là người dân, doanh nghiệp. Tuyệt đối không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật và không đẩy khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp. Đặc biệt, luật phải quy định rõ trách nhiệm từng chủ thể, nhất là người đứng đầu từng khâu trong quá trình soạn thảo.

Với tư tưởng mới, tư duy mới để xây dựng pháp luật, các luật sẽ phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật để tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Chính phủ cũng chỉ đạo phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương đổi mới của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, tổ chức đảng, hội thành viên… Quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị phải bảo đảm phân cấp, phân quyền một cách tối đa, triệt để, cắt giảm được các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thế Đức

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/phap-luat-phuc-vu-nguoi-dan-muc-tieu-cua-doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-167836.html
Zalo