Pháp công bố chính phủ mới sau 2 tháng của cuộc bầu cử bất thường gây chia rẽ
Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã công bố vào ngày 21/9 việc thành lập chính phủ của ông với 39 thành viên đến từ các đảng trung dung và cánh hữu.
Trong số 17 bộ trưởng, có 7 người đến từ liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và ba người đến từ đảng bảo thủ Cộng hòa (Les Republicains) của ông Barnier.
Trong đó, ông Jean-Noel Barrot được đề cử thay thế ông Stephane Sejourne làm Bộ trưởng Bộ châu Âu và Ngoại giao. Ông Barrot, 41 tuổi, là nhà kinh tế và từng giữ chức Bộ trưởng Đại biểu châu Âu trong chính phủ trước.
Ông Bruno Retailleau được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, điều mà tờ báo Pháp Le Figaro coi là "biểu tượng của sự kiên định" trong việc khôi phục trật tự công cộng tại Pháp.
Ông Retailleau, một thành viên của đảng của Thủ tướng Barnier, đã hứa trên tài khoản mạng xã hội X của mình rằng sẽ "khôi phục trật tự để đảm bảo sự hòa hợp" và tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với cảnh sát.
Chức vụ Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính được trao cho ông Antoine Armand, 33 tuổi.
Hiện tại, ông phải giúp Thủ tướng Barnier đệ trình dự thảo ngân sách năm 2025 của Pháp lên Quốc hội trong khi cố gắng kiểm soát nợ theo yêu cầu của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, danh sách thành viên của chính phủ mới thiếu ứng cử viên từ các đảng cánh tả và cực hữu, được cho là chiến thắng tương đối trong cuộc bầu cử lập pháp bất thường.
Chính phủ của Thủ tướng Barnier ngay lập tức nhận sự chỉ trích từ các đảng cánh tả. Lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure lên án quyết định thành lập chính phủ trung hữu của ông Barnier, nói rằng quyết định của ông "trơ tráo" với nền dân chủ.
Lãnh đạo đảng cực tả La France Insoumise, đảng chính của liên minh các đảng cánh tả trong cuộc bầu cử lập pháp gần đây nhất, Jean-Luc Melanchon, cho biết chính phủ được thành lập từ "những kẻ thua cuộc trong cuộc bầu cử lập pháp".
Chính phủ "không có tính hợp pháp cũng như tương lai. Cần phải loại bỏ nó càng sớm càng tốt", ông nói trên tài khoản X của mình.
Các đảng cánh tả đã tuyên bố sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ tại Quốc hội, nơi họ không nắm giữ đa số tuyệt đối. Họ cần phải trông cậy vào đảng cực hữu, sự ủng hộ của Đảng Tập hợp quốc gia (RN).
Đối với đảng cánh hữu, Đảng RN, cựu lãnh đạo của đảng này là bà Marine Le Pen đã bày tỏ sự thất vọng của bà về chính phủ mới.
Trên tài khoản X của mình, bà cho biết chính phủ của ông Barnier là chính phủ "chuyển tiếp" và kêu gọi "thay đổi lớn".
Đối với bà, chính phủ được công bố vào tối ngày 21/9 thực chất là một chính phủ cũ được cải tổ hơn là một chính phủ mới thành lập.
Vào ngày 5/9, ông Macron đã đề cử ông Barnier, cựu chuyên gia đàm phán Brexit, làm Thủ tướng mới.
Ông Barnier tuyên bố rằng ông muốn giải quyết "những thách thức, sự tức giận, đau khổ, cảm giác bị bỏ rơi và bất công" mà đất nước này hiện đang phải trải qua.
Sau khi thành lập chính phủ, nhiệm vụ cấp bách của Thủ tướng Barnier hiện nay là hoàn thành dự thảo ngân sách năm 2025 trước ngày 1/10 và trình lên Quốc hội để bỏ phiếu.