Pháo tự chế - những hiểm họa khôn lường

Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xung quanh việc đốt pháo tự chế và cũng đã có rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra. Vậy nhưng, tai nạn liên quan đến pháo vẫn diễn ra và đáng lo ngại hơn là có xu hướng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện về một thiếu niên 15 tuổi, phải trải qua 3 lần phẫu thuật trong vòng 15 ngày để cứu lấy bàn tay phải dưới đây tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho nhiều người.

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân Đ.

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân Đ.

Sự việc xảy ra vào tối 29 Tết, khi nhắc đến, mẹ của Đ., 15 tuổi, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) vẫn cảm thấy bàng hoàng. Mẹ Đ. kể: Khoảng 19 giờ 30 phút, cháu xin tôi đi chơi. Được nửa tiếng sau, tôi nhận được tin cháu bị tai nạn pháo nổ. Khi đó, bàn tay phải của cháu chảy rất nhiều máu. Lúc đưa con đến bệnh viện thì đã lưng túi bóng máu.

Trước đó, Đ. được bạn đưa cho quả pháo để đốt. Nhưng vì không biết cách đốt nên sau khi châm ngòi, Đ. vẫn cầm quả pháo trên tay và hậu quả là bàn tay phải của Đ. đã bị vỡ nát.

Nằm trên giường bệnh, với vẻ mặt hiền khô, hay cười và sức khỏe đã được bình phục nhiều, Đ. cho biết: Cháu đang đi đường thì được bạn đưa cho 1 quả pháo, to bằng cái chai, tự cuốn, có thuốc và bảo cháu đốt. Cháu không biết cách sử dụng như nào nên khi châm ngòi, cháu vẫn cầm nó trên tay. Nói rồi, Đ. cúi mặt vẻ ngại ngùng. Khi chúng tôi hỏi, cháu có biết pháp luật cấm đốt pháo hay không? Đ. gật đầu và bảo chỉ vì cháu tò mò. Qua lần này, cháu thấy rất sợ nên từ nay, sẽ không bao giờ dám sử dụng pháo nữa.

Bác sĩ Trần Bình Ngọc, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại Chấn thương (Bệnh viện A), chia sẻ: Bệnh nhân Đ. vào viện trong tình trạng toàn bộ phần mềm bàn tay phải bị dập nát, các xương đốt bàn ngón 1, 2, 3 bị gãy dập nát, mất trục giải phẫu bình thường của từng ngón, động mạch quay bị đứt, cung động mạch gan tay nông, sâu, thần kinh, gân cơ tổn thương nặng. Tinh thần bệnh nhân rất hoảng sợ, đau đớn.

Sau khi bệnh nhân được đưa vào viện (sau khoảng 30 phút kể từ khi tai nạn xảy ra), chúng tôi đã hội chẩn, mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân được nối lại mạch máu thần kinh, sắp xếp lại các xương, cố định lại bằng các đinh nhỏ để giữ lại hình dáng ban đầu của bàn tay và giữ lại các các ngón tay tốt nhất có thể. - Bác sĩ Trần Bình Ngọc

Rất may mắn, sau gần 3 giờ đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện A đã nối được các mạch máu thần kinh, giữ lại được phần mềm, găm lại các xương ngón tay cho cháu Đ. Sau 2 lần phẫu thuật, tình trạng bàn tay của cháu Đ. ổn định, các ngón tay đã sống và vận động cơ bản là tốt. Do đó, sáng 10-2, cháu Đ. đã được phẫu thuật lần 3.

Kíp bác sĩ thực hiện phẫu thuật lần 3 cho bệnh nhân Đ. trong sáng 10-2.

Kíp bác sĩ thực hiện phẫu thuật lần 3 cho bệnh nhân Đ. trong sáng 10-2.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ thêm: Ở lần phẫu thuật đấu, chúng tôi xử lý phần mềm, nối lại mạch máu, thần kinh, cố định lại xương. Trong lần 2, chúng tôi cắt lọc làm sạch các mô chết và đặt hệ thống hút áp lực âm liên tục để hút toàn bộ vi khuẩn và kéo máu đến nuôi dưỡng phần mô đang bị yếu, nhằm giúp việc tưới máu cho các phần mô đang bị yếu một cách tốt nhất và giữ lại tối đa bàn tay phần mô mềm. Việc xử lý mô mềm rất quan trọng để che được phần gân, xương khi đã bị lộ và rơi ra ngoài. Còn ở lần 3 là để tháo máy vát ra và khâu lại, trả lại hình dáng ban đầu bàn tay cho bệnh nhân. Dự kiến 5-6 ngày tới, bệnh nhân Đ. sẽ được ra viện.

Đánh giá về khả năng phục hồi của bệnh nhân, bác sĩ Ngọc cho biết: Sau lần phẫu thuật thứ 3, khả năng vận động lại các khớp, các ngón bàn tay của cháu Đ. sẽ được khoảng 50-60% so với ban đầu. Các ngón tay của bệnh nhân đã giữ lại được đầy đủ. Đây là điều có thể nói là rất may mắn với cháu.

Việc sử dụng pháo tự chế, pháo không được phép đốt, không rõ nguồn gốc, rất nguy hiểm vì sức công phá rất lớn, thời gian nổ thường rất nhanh. Do đó, người dân tuyệt đối không nên sử dụng. Người sử dụng nhất là trẻ em thường khó kiểm soát được thời gian nổ. Và khi đã nổ, người đốt sẽ bị hỏng ngay phần chi thể tiếp xúc với quả pháo đó.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng pháo nổ, pháo tự chế vẫn diễn ra khá nhiều. Trong năm 2024, chỉ tính riêng Bệnh viện A đã phẫu thuật cho 3 ca liên quan đến pháo nổ, trong đó đa phần là thanh thiếu niên và các ca đều nặng, chủ yếu bị tổn thương phần tay trực tiếp cầm pháo. Việc xử lý ban đầu sớm, đúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp nối lại, giữ lại phần mô cần thiết, giúp cho việc cầm nắm sau này.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã khám cho gần 60 trường hợp liên quan đến pháo nổ, pháo hoa (riêng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu cho 20 trường hợp, Bệnh viện A là 4 trường hợp...), tăng gấp 2 lần so với Tết năm 2024. Thực tế này đang tiếp tục đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nhằm không mua, không bán, không sử dụng trái phép các loại pháo. Đặc biệt là cần nâng mức xử phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe chung.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202502/phao-tu-che-nhung-hiem-hoa-khon-luong-3b11044/
Zalo