Phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ pháo kích ở miền Bắc Gaza

Ngày 29/2, Đại diện của Palestine tại Liên hợp quốc, ông Riyad Mansour kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án vụ pháo kích tại Gaza khiến hàng trăm người thương vong trong lúc chờ nhận hàng viện trợ ở khu vực phía Bắc Gaza.

Hình ảnh video cho thấy lực lượng Israel phóng hỏa nhằm vào người dân Palestine đang chờ nhận hàng viện trợ nhân đạo tại thành phố Gaza ngày 29/2/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Hình ảnh video cho thấy lực lượng Israel phóng hỏa nhằm vào người dân Palestine đang chờ nhận hàng viện trợ nhân đạo tại thành phố Gaza ngày 29/2/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Phát biểu trước báo giới, ông Mansour nhấn mạnh: "Vụ thảm sát này là bằng chứng cho thấy thực tế rằng chừng nào HĐBA chưa hành động và các quyền phủ quyết vẫn còn hiệu lực thì người dân Palestine sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình". Ông Mansour cho biết trước đó cùng ngày, ông đã gặp Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield. Tại cuộc gặp, đại diện Palestine kêu gọi HĐBA ra nghị quyết lên án vụ thảm sát và truy tìm những đối tượng đứng sau vụ việc. Ông Mansour cho rằng các bên liên quan cần thực hiện lệnh ngừng bắn để tránh sự việc tương tự tái diễn.

Theo đề nghị của Algeria, HĐBA LHQ đã họp kín chiều 29/2 để thảo luận vụ pháo kích xảy ra tại khu vực phía Gaza. Phát biểu ngay trước cuộc họp, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân trong vụ pháo kích tại Bắc Gaza và gọi đây là “một ngày bi thảm”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang khẩn trương tìm kiếm thông tin về sự việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thông báo nước này biết Israel đang tiến hành một cuộc điều tra, đồng thời Washington sẽ thúc đẩy tìm ra các câu trả lời và tiếp tục nói rõ với Israel rằng phải thực hiện mọi biện pháp khả thi để có thêm hàng viện trợ vào được Dải Gaza.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng lên án vụ sát hại hàng chục người Palestine, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý tình hình tại Gaza rất xấu và kêu gọi lệnh ngừng bắn lập tức tại đây. Trên mạng xã hội X ngày 1/3, ông Macron viết: “Tôi bày tỏ lên án mạnh mẽ nhất đối với những vụ xả súng này và kêu gọi sự thật, công lý và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Tương tự, chính quyền Iran và Jordan cũng gửi lời chia buồn với chính quyền và người dân Palestine, đồng thời lên án vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra. Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro quyết định đình chỉ việc mua vũ khí của Israel sau vụ việc.

Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 112 người thiệt mạng và 760 người bị thương trong vụ pháo kích. Vụ việc xảy ra khi đám đông người dân Palestine đang tập trung chờ được nhận hàng viện trợ nhân đạo tại một con đường ven biển ở phía Tây thành phố Gaza. Các nhân chứng cho biết cuộc pháo kích của quân đội Israel đã nhắm trúng đám đông. Cơ quan y tế ở Gaza coi đây là vụ "thảm sát". Trong khi đó, nguồn tin Israel nói rằng đám đông đã tiến gần quân đội Israel mà họ cho rằng có thể gây nguy hiểm đến binh sĩ, buộc họ đáp trả bằng hỏa lực.

Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, thương vong trong vụ tấn công trên khiến số người thiệt mạng tại đây tăng lên tới 30.000 người, chủ yếu phụ nữ và trẻ em, kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra từ tháng 10/2023. Số liệu của Israel cho thấy xung đột khiến khoảng 1.160 người nước này thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.

Cùng ngày 29/2, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về những nỗ lực chung của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm xoa dịu tình hình ở Gaza, đạt được lệnh ngừng bắn, trao đổi tù nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc điện đàm với ông Biden, ông El-Sisi nhấn mạnh phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, để cho phép thường dân Palestine tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đối với hàng viện trợ nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng. Ông El-Sisi cảnh báo hậu quả nguy hiểm của việc leo thang quân sự và nhắm mục tiêu vào dân thường, đồng thời khẳng định Ai Cập lên án mạnh việc nhắm mục tiêu vào thường dân không có khả năng tự vệ vì hành động này vi phạm rõ ràng luật pháp và các nghị quyết quốc tế.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Biden đánh giá cao những nỗ lực chung nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và cho rằng điều này cần được ưu tiên để khôi phục sự ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, ông Biden cũng đề cao những nỗ lực chính trị mạnh mẽ của Ai Cập nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và vai trò tiên phong của Cairo trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Hai lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh mở rộng xung đột trong khu vực và nhất trí tiếp tục tham vấn cũng như phối hợp để đảm bảo khôi phục hòa bình và an ninh. Hai lãnh đạo Ai Cập và Mỹ cũng thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này.

Nguyễn Hằng – Nguyễn Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phan-ung-cua-cong-dong-quoc-te-ve-vu-phao-kich-o-mien-bac-gaza-20240301110027403.htm
Zalo