Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước đề nghị bắt giữ lãnh đạo Israel của ICC

Cộng đồng quốc tế đã đưa ra các phản ứng trái chiều sau khi công tố viên trưởng Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan đề nghị ICC bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas vì các hành động của họ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Trong một tuyên bố tối 20/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) với ông nếu được thông qua là “vô lý và sai lầm”, “không chỉ chống lại Thủ tướng và Bộ trưởng quốc phòng Israel, mà còn chống lại toàn bộ Nhà nước Israel”. Ông Netanyahu chỉ trích công tố viên ICC “lạm dụng quyền hạn” và “đổ thêm dầu vào lửa” chủ nghĩa bài Do Thái.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

“Quyết định của công tố viên ICC, Karim Khan, nhằm xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo được bầu cử một cách dân chủ của Israel là một sự xúc phạm có tầm vóc lịch sử”

Mỹ, đồng minh quan trọng của Israel cũng đưa ra các phản ứng mạnh sau thông tin trên. Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng chỉ trích đề xuất này là việc “đánh đồng hành vi” của Israel với vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói:

“Hãy để tôi nói rõ, Mỹ bác bỏ đơn xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel của ICC. Dù những lệnh này có hàm ý gì đi nữa thì không có sự tương đương giữa Israel và Hamas, những gì đang xảy ra không phải là tội diệt chủng và Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Israel cũng như những mối đe dọa chống lại an ninh của nước này”

Trong khi đó, trái ngược với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) “vì vai trò trung tâm của cơ quan này trong việc mang lại công lý cho các nạn nhân trong mọi tình huống thuộc thẩm quyền của mình”. Người phát ngôn EU Peter Stano cho biết:

“Trong bối cảnh hiện nay, Liên minh Châu Âu nhắc lại rằng Tòa án Hình sự Quốc tế là một tổ chức quốc tế quan trọng và độc lập, có nhiệm vụ truy tố những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế”

Cùng quan điểm trên, Pháp và Bỉ tuyên bố ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas. Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Hadja Lahbib đăng trên mạng xã hội X nhấn mạnh, tội ác đã xảy ra tại Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, bất kể thủ phạm là ai. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (21/5) cho biết, có “sự đồng thuận lớn trong cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt ngay cuộc chiến ở Gaza và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân Palestine”. Trung Quốc hy vọng, ICC sẽ giữ quan điểm “khách quan” về yêu cầu của công tố viên.

Dự kiến, Hội đồng thẩm phán của ICC tại Hà Lan sẽ xem xét lệnh bắt trước khi ra phán quyết. Giới quan sát cho rằng, thực tế ngay cả khi lệnh bắt được phê chuẩn, ICC cũng không có thẩm quyền thực thi lệnh bắt, mà điều này nằm ở nghĩa vụ của 124 nước thành viên, nếu quan chức Israel hay Hamas nói trên đặt chân lên lãnh thổ. Tuy nhiên ở một góc độ khác, nếu lệnh bắt giữ được thông qua cũng cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc yêu cầu các bên dừng ngay cuộc xung đột hiện nay tại Gaza.

Hạnh Phúc/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-cong-dong-quoc-te-truoc-de-nghi-bat-giu-lanh-dao-israel-cua-icc-post1096769.vov
Zalo