“Hồ sơ Pandora” vừa gây nên cơn sốt với tiết lộ hồ sơ tài chính chưa từng có về tài sản ở nước ngoài của hàng chục nhân vật đã và đang là lãnh đạo thế giới cùng hàng trăm chính trị gia từ châu Á, Trung Đông đến Mỹ Latinh.
Theo đó, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã thu được 11,9 triệu tài liệu mật từ 14 công ty dịch vụ tài chính và pháp lý riêng biệt để làm nên “Hồ sơ Pandora”.
Nhóm này cho biết, nguồn dữ liệu khủng này đã cung cấp “một cái nhìn sâu rộng về một ngành giúp các quan chức chính phủ siêu giàu có, quyền lực và giới tinh hoa khác che giấu hàng nghìn tỷ USD, tránh sự xem xét của cơ quan thuế, công tố viên và những người khác”.
Nổi bật nhất trong “Hồ sơ Pandora” là thông tin về khối bất động sản “khủng” của vua Jordan. Nhà vua Abdullah II đã chi hơn 100 triệu USD cho những ngôi nhà sang trọng ở Vương quốc Anh và Mỹ.
Phản ứng về việc này, Cung điện Hoàng gia Jordan cho biết: “Không có gì bí mật khi nhà vua sở hữu một số căn hộ và dinh thự ở Mỹ và Vương quốc Anh. Điều này không có gì lạ, cũng không phải là không đúng”.
Trong bình luận đầu tiên sau thông tin nói trên, nhà vua Abdullah tuyên bố: “Chi phí của những bất động sản này đều do tài khoản cá nhân. Không có khoản chi nào trong số này do ngân sách hoặc kho bạc nhà nước tài trợ. Tôi không có gì phải giấu bất cứ ai”.
Cùng với đó, Thủ tướng CH Czech Andrej Babis được cho là đã chuyển 22 triệu USD thông qua các công ty nước ngoài để mua một lâu đài ở vùng Riviera của Pháp vào năm 2009 trong khi vẫn giữ bí mật về quyền sở hữu của mình.
Hôm 3-10-2021, ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái được nêu trong các tài liệu. Ông Babis cho biết, một cuộc kiểm toán trước đây đã chứng minh rằng ông có đủ thu nhập để chi trả số tiền này và giao dịch đã bị đánh thuế đầy đủ.
Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, họ sẽ điều tra các trường hợp liên quan đến “Hồ sơ Pandora” và có hành động thích hợp, đồng thời cho biết thêm: “Chính phủ cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan tài phán nước ngoài để thu thập thông tin về người nộp thuế cũng như pháp nhân có liên quan”.
Tại Pakistan, phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Imran Khan ra lệnh cho các Bộ trưởng và phụ tá trong nội các có tên trong vụ rò rỉ thông tin từ chức và đối mặt với cuộc điều tra.
Bộ trưởng Tài chính Shaukat Tarin khẳng định các quan chức bị nêu tên sẽ bị điều tra - bao gồm cả chính ông
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso, người bị cáo buộc gửi tiền vào hai quỹ tín thác có trụ sở tại Mỹ, cũng lên tiếng tự bảo vệ mình: “Tất cả thu nhập của tôi đã được kê khai và tôi đã nộp khoản thuế tương ứng ở Ecuador”.
Trong khi đó, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta hoan nghênh “Hồ sơ Pandora” sẽ “tăng cường minh bạch tài chính”. Tuy nhiên, ông Kenyatta không nhắc đến các cáo buộc gia đình ông sở hữu 11 công ty ở nước ngoài trị giá hàng triệu đô la Mỹ.
Hôm 5-10-2021, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati - người có tên trong “Hồ sơ Pandora cho biết, tài sản của gia đình ông xuất phát từ doanh nghiệp truyền thông, hoàn toàn hợp pháp và đã được kiểm toán
Ông Mikati đã báo cáo về tài sản riêng cho Hội đồng Hiến pháp Lebanon kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị. “Sự giàu có không nhất thiết gắn với lạm dụng công quỹ và những người nghèo khó”, ông Mikati nhấn mạnh
Chuyển tiền qua các tài khoản nước ngoài, hầu hết ở các khu vực pháp lý có thuế suất thấp hay được mệnh danh "thiên đường thuế" là hợp pháp ở hầu hết các quốc gia và nhiều người có tên trong dữ liệu không bị buộc tội là hành vi phạm pháp
Nhưng nhóm nhà báo cho biết, 2,94 terabyte dữ liệu tài chính và pháp lý khiến vụ rò rỉ này lớn hơn nhiều so với Hồ sơ Panama năm 2016. Điều đó cho thấy “cỗ máy kiếm tiền ngoài khơi hoạt động ở mọi nơi trên hành tinh chúng ta”.
Hải Yến