Phân tích xu hướng đầu tư năng lượng bền vững của Mỹ

Wood Mackenzie dự đoán xu hướng bảo hộ dưới thời Tổng thống Trump được đánh dấu bằng việc giảm tham vọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Dẫu vậy, năng lượng tái tạo và Đạo luật Giảm Phát (IRA) vẫn sẽ tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Mỹ.

Một cơ sở năng lượng mặt trời ở Mỹ. Ảnh AP

Một cơ sở năng lượng mặt trời ở Mỹ. Ảnh AP

Phân tích của Wood Mackenzie về chuyển đổi năng lượng tại Mỹ nhấn mạnh những tác động từ chính sách của chính quyền Trump vốn tập trung vào bảo hộ và nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường. Việc Mỹ quay lại các chính sách ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và khả năng rút khỏi Thỏa thuận Paris có thể làm chậm tiến trình đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư lớn được hỗ trợ bởi Đạo luật IRA vẫn sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp. Kể từ khi được thông qua, IRA đã tạo ra hơn 220 tỷ USD đầu tư, chủ yếu tại các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, củng cố vai trò của các khu vực này trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đạo luật Giảm phát: Giữa cải cách và khả năng phục hồi

Dù Tổng thống Trump có thể xem xét sửa đổi IRA thì việc bãi bỏ hoàn toàn đạo luật này dường như khó xảy ra. Các khoản tín dụng cho sản xuất tiên tiến đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển năng lượng mặt trời và các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ bởi lợi ích từ cả hai đảng. Bất chấp những bất ổn chính trị, Wood Mackenzie dự đoán năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm 243 GW công suất từ năm 2024 đến 2030, ngay cả trong kịch bản chuyển đổi bị trì hoãn.

Lĩnh vực công nghệ với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, có thể được hưởng lợi từ các cải cách cấp phép mà chính quyền Trump thúc đẩy. Từ năm 2023, hơn 51 GW trung tâm dữ liệu mới đã được công bố. Các dự án này sẽ tập trung tại các bang Cộng hòa và được củng cố nhờ các khoản tín dụng sản xuất ổn định và cơ sở hạ tầng năng lượng được cải thiện.

Các lĩnh vực then chốt: năng lượng mặt trời, gió và lưu trữ

Năng lượng mặt trời:

Nhu cầu đối với năng lượng mặt trời ở Mỹ vẫn mạnh mẽ. Các dự án quy mô lớn đạt gần 100 GWdc, trong khi nhu cầu từ hộ gia đình và doanh nghiệp đối với các dự án phân phối tiếp tục tăng. Tuy nhiên, những thách thức về kết nối lưới điện và cơ sở hạ tầng truyền tải đang hạn chế sự tăng trưởng ngay lập tức. Wood Mackenzie ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5% từ năm 2028 đến 2031, đạt 50 GWdc mỗi năm.

Năng lượng gió:

Các dự án gió trên bờ và ngoài khơi vẫn chịu những ảnh hưởng lớn từ các quyết sách. Wood Mackenzie lưu ý rằng việc giảm các khoản tín dụng thuế cho nội địa hóa có thể trì hoãn đầu tư vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Hiện tại, khoảng 25 GW dự án nước ngoài đã ở giai đoạn phát triển cao hoặc được cấp phép. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn có thể giảm 30% nếu chính quyền Trump không ban hành các hướng dẫn về những ưu đãi thuế.

Lưu trữ năng lượng:

Lĩnh vực lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong cân bằng mạng lưới điện giảm carbon và cũng rất nhạy cảm với các cải cách chính sách. Các khoản tín dụng thuế dành cho dự án lưu trữ vô cùng quan trọng. Việc rút các khoản tín dụng này sẽ gây ra rủi ro lớn đối với phân khúc đang phát triển này.

Khí tự nhiên, hạt nhân và các công nghệ mới nổi

Khí tự nhiên:

Việc bãi bỏ các thủ tục từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) dự kiến sẽ hỗ trợ nhu cầu về khí đốt tự nhiên. Nhu cầu ngày càng tăng từ các trung tâm dữ liệu và cơ sở sản xuất đòi hỏi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mới. Wood Mackenzie dự báo sản lượng hàng năm trung bình đạt 13,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2025.

Hạt nhân:

Các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và được coi là chìa khóa cho độc lập năng lượng và cạnh tranh công nghệ của Mỹ. Ước tính công suất hạt nhân sẽ dao động từ 14 đến 27 GW vào năm 2050, tùy thuộc vào các chiến lược được nghiên cứu.

Công nghệ mới nổi:

Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCUS) và hydro carbon thấp vẫn là trụ cột trong quá trình khử carbon. Khoản tín dụng 45Q dành cho CCUS nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng, giúp bảo vệ các khoản đầu tư khỏi những biến động chính trị. Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong định hướng chính sách đối với hydro tạm thời làm chậm tiến độ dự án, bất chấp sự hấp dẫn đến từ các ưu đãi của Mỹ.

Chủ nghĩa bảo hộ và những tác động đến thị trường toàn cầu

Chính quyền Trump có kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với mức thuế có thể lên tới 10% đối với tổng hàng hóa nhập khẩu và 60% đối với sản phẩm từ Trung Quốc. Chiến lược này nhằm tái định vị sản xuất công nghiệp nhưng có nguy cơ gây áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, tạo ra chi phí bổ sung ước tính 450 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ này có thể làm tăng cạnh tranh quốc tế đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các loại kim loại chiến lược.

Triển vọng toàn cầu cho ngành năng lượng

Bất chấp những thay đổi chính trị, Wood Mackenzie nhấn mạnh rằng động lực thị trường, đầu tư tư nhân và các mục tiêu khí hậu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Mỹ. Năng lượng tái tạo dù đối mặt với nhiều bất ổn nhưng vẫn sẽ duy trì tính cạnh tranh nhờ chi phí giảm và nhu cầu cao.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-xu-huong-dau-tu-nang-luong-ben-vung-cua-my-720990.html
Zalo