Phân tích tác động và ảnh hưởng của xe điện đến năm 2030

Sự phát triển của xe điện và các hệ thống hỗ trợ lái sẽ định hình lại thị trường sửa chữa ô tô. Mặc dù số lượng can thiệp sửa chữa truyền thống suy giảm, doanh thu của ngành dự kiến sẽ tăng nhẹ vào năm 2030.

Hình minh họa

Hình minh họa

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua thời kỳ chuyển đổi lớn nhờ sự gia tăng sử dụng xe điện (EV). Theo một nghiên cứu của TCG Conseil thực hiện cho Mobilians, sự thay đổi cơ cấu này ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực sửa chữa ô tô, thị trường ước tính trị giá 38,5 tỷ euro vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt khoảng 40 tỷ euro vào năm 2030. Tuy nhiên, doanh thu tổng thể này ẩn chứa những thay đổi lớn về tính chất của các dịch vụ can thiệp sửa chữa và lợi nhuận của các chuyên gia trong ngành.

Xe điện, dù ít đòi hỏi bảo trì theo cách truyền thống, vẫn có những đặc thù riêng làm thay đổi hoạt động của các gara. Với số lượng bộ phận cơ khí giảm đi, không còn các dịch vụ thông thường như thay dầu, và độ bền của các bộ phận tăng lên, các thợ cơ khí có thể nhận thấy các bão trì định kỳ đã giảm đi. Sự thay đổi này được củng cố bởi những tiến bộ công nghệ giúp cải thiện độ tin cậy của hệ thống điện tử và kéo dài tuổi thọ của phương tiện. Do đó, cơ cấu chi phí bảo trì ngày càng phát triển, thúc đẩy các chuyên gia phải đa dạng hóa dịch vụ của họ để bù đắp cho khoản thu nhập bị mất này.

Chi phí sửa chữa xe điện đắt hơn

Mặc dù xe điện yêu cầu ít sửa chữa cơ khí hơn nhưng chi phí sửa chữa sau va chạm lại cao hơn đáng kể so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Pin, bộ phận chính của xe điện, đặc biệt dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra tai nạn. Chi phí thay thế hoặc sửa chữa những loại pin này làm tăng hóa đơn của khách hàng, ước tính tăng khoảng 25% so với xe động cơ đốt trong. Xu hướng này cũng được thúc đẩy bởi việc sử dụng ngày càng nhiều các vật liệu đắt tiền như nhôm hoặc sợi carbon trong chế tạo xe điện, những yếu tố khiến các dịch vụ sửa chữa trở nên phức tạp hơn.

Nghiên cứu của TCG Conseil nhấn mạnh rằng, mặc dù tần suất sửa chữa cơ khí có thể giảm, đặc biệt đối với các yêu cầu bồi thường truyền thống, nhưng chi phí cao hơn cho các dịch vụ sửa chữa phức tạp có thể bù đắp một phần cho mức giảm này. Do đó, các gara sẽ buộc phải định hướng lại hoạt động của mình theo hướng phân khúc có giá trị cao hơn.

Hệ thống ADAS và giảm nguy cơ tai nạn

Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS) cũng đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Những công nghệ này, chẳng hạn như phanh khẩn cấp hoặc giữ làn đường, giúp giảm tần suất các vụ tai nạn nhỏ, dẫn đến dự báo giảm 11% số vụ khiếu nại liên quan đến thân xe hoặc kính vỡ vào năm 2030. Điều này trực tiếp thay đổi bản chất của các dịch vụ tại các xưởng sửa chữa, trong đó thợ máy sẽ thấy lợi nhuận từ các dịch vụ sửa chữa nhỏ giảm dần.

Tuy nhiên, ADAS vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa phát huy hết tiềm năng trong việc giảm thiểu tai nạn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các công nghệ này có thể dẫn đến sự thiếu tập trung của người lái xe, gây ra nguy cơ tai nạn nghiêm trọng hơn. Điều này tạo ra một nghịch lý: Số vụ tai nạn nhỏ giảm nhưng nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng hơn lại tăng lên do sự mất tập trung.

Đa dạng hóa dịch vụ cho các gara

Đối mặt với những phát triển này, các gara không thể chỉ dựa vào mô hình kinh doanh truyền thống. Các dịch vụ như kiểm tra kỹ thuật, dịch vụ bảo trì định kỳ và bán phụ tùng lắp đặt tại nhà đang trở thành những mảng then chốt để duy trì lợi nhuận. Những người tham gia thị trường cũng đang chuyển sang các hoạt động bổ sung như rửa xe hoặc bán phụ tùng ô tô, các dịch vụ có thể bù đắp cho sự sụt giảm của các dịch vụ cơ khí.

Sự chuyển đổi của thị trường hậu mãi ô tô không chỉ đến từ xe điện. Sự phổ biến của các dịch vụ di chuyển chung, việc gia tăng của các khu vực phát thải thấp (ZFE) ở các thành phố lớn, và sự cũ kỹ của các phương tiện lưu thông cũng ảnh hưởng đến nhu cầu sửa chữa. Những xu hướng này đang thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới các giải pháp di chuyển bền vững hơn và thay đổi thói quen lái xe, làm giảm số km sử dụng xe hàng năm và do đó, nhu cầu bảo dưỡng cũng giảm theo.

Thích nghi với sự thay đổi của thị trường ô tô

Sự kết hợp của những yếu tố này đặt ngành sửa chữa ô tô vào một bước ngoặt. Những công ty truyền thống, thường tập trung vào các dịch vụ cơ khí và bão dưỡng thường xuyên, sẽ phải phát triển các kỹ năng mới, đặc biệt là về sửa chữa linh kiện điện tử, hệ thống pin hoặc thậm chí các công nghệ tiên tiến khác. Việc nâng cao kỹ năng này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang dần thay đổi cùng với việc sử dụng ngày càng nhiều xe điện và công nghệ hỗ trợ người lái.

Cuối cùng, sự tăng trưởng của thị trường hậu mãi ô tô đến năm 2030 sẽ không đến từ việc tăng các dịch vụ cơ khí, mà từ việc xác định lại hoàn toàn các dịch vụ do các gara cung cấp. Những ai biết cách đa dạng hóa sản phẩm của mình và thích ứng với những công nghệ mới này sẽ thành công.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phan-tich-tac-dong-va-anh-huong-cua-xe-dien-den-nam-2030-718329.html
Zalo