Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tháng 11/2024 và dự báo 2025

Báo cáo 'Monthly Oil Market Report' của OPEC, ấn phẩm hàng tháng tập trung vào những diễn biến ngắn hạn của thị trường dầu mỏ toàn cầu, bao gồm nền kinh tế thế giới, giá dầu, khai thác và tiêu thụ dầu, thương mại và các sản phẩm dầu cũng như thị trường tàu chở dầu. Dưới đây là những điểm nổi bật trong báo cáo tháng 12.

Hình minh họa

Hình minh họa

Biến động giá dầu thô

Trong tháng 11, giá Giỏ Dầu Tham Chiếu của OPEC (ORB) giảm 1,47 USD (tương đương 2,0%) so với tháng trước, đạt mức trung bình 72,98 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng gần nhất trên sàn ICE giảm 1,98 USD (tương đương 2,6%) xuống trung bình 73,40 USD/thùng.

Hợp đồng dầu WTI tại sàn NYMEX giao cùng tháng giảm 2,02 USD (2,8%) xuống 69,54 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Oman trên sàn GME giao tháng gần nhất giảm 2,55 USD (3,4%) xuống 72,48 USD/thùng.

Chênh lệch giá dầu Brent trên ICE và dầu WTI tại sàn NYMEX ở kỳ hạn tháng đầu tiên không thay đổi nhiều, tăng nhẹ thêm 4 cent/thùng so với tháng trước, đạt mức trung bình 3,86 USD/thùng.

Đường cong kỳ hạn của giá dầu tiếp tục phẳng hơn, với mức chênh lệch giá gần nhất thu hẹp nhưng vẫn duy trì trong trạng thái backwardation (giá giao ngay cao hơn giá kỳ hạn). Các quỹ đầu tư và nhà quản lý tiền tệ tăng vị thế mua ròng, nhưng vẫn giữ quan điểm giảm giá dầu.

Kinh tế toàn cầu

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đổi ở mức 3,1% cho năm 2024 và 3,0% cho năm 2025.

Mỹ: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 2,8%, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Năm 2025, dự báo cũng được nâng nhẹ lên 2,2%.

Nhật Bản: Dự báo tăng trưởng năm 2024 giữ nguyên ở mức 0,1%, nhưng năm 2025 tăng nhẹ lên 1,0%.

Khu vực đồng Euro: Tăng trưởng không đổi ở mức 0,8% (2024) và 1,2% (2025).

Trung Quốc: Dự báo tăng trưởng duy trì ở mức 4,9% (2024) và 4,7% (2025).

Ấn Độ: Tăng trưởng vẫn duy trì ở mức 6,8% (2024) và 6,3% (2025).

Brazil: Dự báo điều chỉnh tăng nhẹ lên 3,1% (2024), nhưng vẫn giữ ở mức 2,1% (2025).

Nga: Tăng trưởng kinh tế giữ nguyên ở mức 3,5% (2024) và 1,7% (2025).

Nhu cầu dầu thô toàn cầu

Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2024 giảm 210.000 thùng/ngày (tb/ngày), xuống còn 1,6 triệu thùng/ngày (mb/ngày) so với năm trước. Điều chỉnh này chủ yếu do dữ liệu cập nhật cho quý 1, 2 và 3 năm 2024.

Theo báo cáo, tại OECD, nhu cầu dầu dự kiến tăng khoảng 0,1 mb/ngày. Ở Non-OECD, nhu cầu dự kiến tăng gần 1,5 mb/ngày.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2025 cũng giảm 90.000 tb/ngày, xuống 1,4 mb/ngày so với năm trước. Cụ thể, tại OECD, dự báo tăng 0,1 mb/ngày. Non-OECD, nhu cầu dự kiến tăng 1,3 mb/ngày.

Nguồn cung dầu toàn cầu

Nguồn cung dầu từ các nước ngoài DoC (Tuyên bố Hợp tác) dự kiến tăng 1,3 mb/ngày trong năm 2024, tăng nhẹ so với đánh giá tháng trước, chủ yếu từ Mỹ và Canada. Năm 2025, nguồn cung từ các nước này dự kiến tăng 1,1 mb/ngày, không thay đổi so với dự báo trước. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và Na Uy.

Nguồn cung chất lỏng khí tự nhiên (NGL) và chất lỏng không thông thường từ các quốc gia tham gia DoC dự kiến sẽ tăng khoảng 0,1 mb/ngày, đạt trung bình 8,3 mb/ngày trong năm 2024, tiếp theo là mức tăng khoảng 80.000 tb/ngày, đạt 8,4 mb/ngày vào năm 2025.

Sản lượng dầu thô từ các nước tham gia DoC tăng 0,32 mb/ngày trong tháng 11, đạt trung bình 40,67 mb/ngày, theo nguồn dữ liệu thứ cấp.

Thị trường sản phẩm và hoạt động lọc dầu

Trong tháng 11, lợi nhuận từ lọc dầu tiếp tục tăng ở các trung tâm giao dịch lớn. Ở Bờ Vịnh Mỹ (USGC), việc ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại các đơn vị phụ trợ đẩy giá sản phẩm lên cao. Tại châu Âu, thị trường dầu diesel mạnh hơn nhờ thời tiết lạnh và nhu cầu sưởi ấm tăng. Về phần Trung Quốc, nhu cầu vận chuyển tăng trước khi cắt giảm ưu đãi thuế từ ngày 1/12 đã hỗ trợ thị trường.

Công suất lọc dầu toàn cầu phục hồi sau mùa bảo dưỡng lớn hồi tháng 11, tăng 1,3 mb/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 80,2 mb/ngày, tăng 169.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tàu chở dầu

Cước vận chuyển giao ngay cho tàu chở dầu thô giảm trên tất cả các tuyến được giám sát trong tháng 11, tiếp tục xu hướng giảm so với cuối tháng trước, do số lượng tàu tăng cao vượt quá nhu cầu vận chuyển.

Tuyến Trung Đông sang Đông Á: Cước vận chuyển tàu VLCC giảm 9% so với tháng trước.

Tuyến Tây Phi sang Đông Á: Cước giảm 10%.

Thị trường tàu Suezmax: Cước vận chuyển tuyến từ Bờ Vịnh Mỹ sang châu Âu giảm 25%, đảo ngược mức tăng của tháng trước.

Thị trường tàu Aframax: Cước vận chuyển tuyến từ Caribbean tới Bờ Đông Mỹ giảm mạnh 34%, sau khi tăng vọt vào tháng trước.

Trong thị trường tàu chở dầu sạch (Clean Tanker Market), cước tại phía Đông của kênh Suez giảm trung bình 15%, trong khi cước tại phía Tây của Suez tăng 19% so với tháng trước.

Thương mại dầu thô và sản phẩm tinh chế

Dữ liệu tháng 11 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Mỹ phục hồi sau khi giảm vào tháng trước, đạt trung bình 6,7 triệu thùng/ngày (mb/d), do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau bảo trì. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ lần đầu tiên vượt 4 mb/d trong 4 tháng, chủ yếu đến châu Á và châu Âu. Nhập khẩu sản phẩm dầu tăng lên 1,6 mb/d, với lượng xăng nhập khẩu cao hơn. Xuất khẩu sản phẩm vẫn mạnh ở mức 6,8 mb/d, cũng do nhu cầu xăng dẫn đầu.

Dự báo sơ bộ cho khu vực OECD châu Âu cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước, trong khi nhập khẩu sản phẩm giảm do lượng dầu diesel nhập khẩu thấp hơn, nhưng nhập khẩu dầu nhiên liệu tăng.

Tại Nhật Bản, nhập khẩu dầu thô tháng 10 giảm gần 12% so với tháng trước, do nhu cầu nội địa đối với sản phẩm tinh chế yếu hơn. Nhập khẩu sản phẩm giảm khoảng 7%, với naphtha, xăng và gasoil giảm, trong khi LPG và dầu hỏa tăng.

Về phần Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô tiếp tục giảm thêm 5%, đạt trung bình 10,6 mb/d trong tháng 10. Ngược lại, nhập khẩu ròng sản phẩm tăng khoảng 3%, do xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu.

Tại Ấn Độ, nhập khẩu dầu thô trung bình 4,6 mb/d, tăng nhẹ so với tháng trước do bảo dưỡng nhà máy lọc dầu hạn chế mức tăng. Xuất khẩu sản phẩm dầu của nước này giảm 24%, với tất cả các sản phẩm chính đều giảm.

Diễn biến kho dự trữ thương mại

Dữ liệu sơ bộ tháng 10/2024 cho thấy tổng tồn kho dầu thương mại của OECD giảm 22,3 triệu thùng (mb) so với tháng trước, xuống còn 2.777 mb, thấp hơn 169 mb so với mức trung bình giai đoạn 2015–2019.

Tồn kho dầu thô tăng 7,9 mb, trong khi tồn kho sản phẩm giảm 30,2 mb. Tồn kho dầu thô thương mại của OECD đạt 1.324 mb, thấp hơn 130 mb so với mức trung bình giai đoạn 2015–2019. Trong khi đó, tồn kho sản phẩm dầu của OECD ở mức 1.453 mb, thấp hơn khoảng 39 mb so với mức trung bình giai đoạn 2015–2019.

Về số ngày dự trữ tương lai, tồn kho thương mại của OECD tăng 0,3 ngày trong tháng 10, đạt 60,8 ngày, thấp hơn 1,6 ngày so với mức trung bình 2015–2019.

Cân bằng cung và cầu

Nhu cầu dầu từ các nước trong Tuyên bố Hợp tác (DoC) được điều chỉnh giảm 0,3 mb/d so với đánh giá trước, xuống còn 42,4 mb/d trong năm 2024, cao hơn khoảng 0,3 mb/d so với ước tính năm 2023. Năm 2025, nhu cầu dầu thô DoC được điều chỉnh giảm 0,4 mb/d so với đánh giá trước, đạt 42,7 mb/d, cao hơn 0,3 mb/d so với ước tính năm 2024.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-dien-bien-thi-truong-dau-mo-the-gioi-thang-112024-va-du-bao-2025-721948.html
Zalo