Phán quyết nào đối với các cựu lãnh đạo Bắc Ninh nhận hối lộ của AIC?

Theo dự kiến, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ tuyên bản án sơ thẩm vào chiều nay 1.11.

Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm đấu thầu trong lĩnh vực y tế liên quan đến cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyên án vào chiều nay (1.11).

Trong số 13 bị cáo, có 4 người là cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh cùng bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến từ 48 - 60 tháng tù, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh từ 36 - 42 tháng tù, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình y tế Trần Văn Tuynh từ 42 - 48 tháng tù, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung từ 24 - 30 tháng tù.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Một cựu lãnh đạo khác của tỉnh Bắc Ninh là cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường bị VKS đề nghị xử phạt từ 24 - 30 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

VKS ghi nhận các bị cáo trên có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt; thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; chủ động nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính; có nhiều thành tích trong công tác…

Đều nhận tiền trong dịp lễ tết

Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận sai phạm. Cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung bày tỏ sự hối hận; đồng thời khẳng định bản thân luôn tâm huyết, hết mình trong công việc, chưa bao giờ nghĩ tới viễn cảnh sẽ phải đứng tại phòng xét xử.

Bị cáo Chung thừa nhận cáo buộc của VKS nhưng mong tòa xem xét thêm, vì sai phạm một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nóng vội.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến cũng chấp nhận cáo buộc nhận hối lộ 4 tỉ đồng, nhưng khẳng định chưa bao giờ thỏa thuận hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền trước khi thực hiện dự án.

Bị cáo Nguyễn Nhân Chiến khai báo tại tòa - Ảnh: N.A

Bị cáo Nguyễn Nhân Chiến khai báo tại tòa - Ảnh: N.A

Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo Chiến, khi cấp dưới nói biếu tiền phần trăm hợp đồng, bị cáo đã từ chối; chỉ khi những người này tặng quà vào các dịp lễ tết, sinh nhật…, bị cáo mới nhận vì nghĩ đó không phải tiền hối lộ.

Nói lời sau cùng, ông Chiến mong vụ án là bài học sâu sắc cho các cán bộ đương nhiệm, không nên vì nể nang mà làm sai nhiệm vụ; phải hiểu và sống, làm việc thượng tôn pháp luật.

Trong phần tranh luận, các luật sư tham gia bào chữa không tranh luận về mặt tội danh mà chỉ phân tích về bối cảnh xảy ra vụ án để HĐXX cân nhắc, đánh giá toàn diện khi lượng hình cho thân chủ.

Cụ thể, luật sư của bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh cho rằng tất cả những lần ông Quỳnh nhận tiền đều trong các dịp lễ tết, sinh nhật. Điều này khiến cựu chủ tịch tỉnh “lẫn lộn giữa quà tình cảm và hành vi phạm tội”.

Các luật sư tham gia phiên tòa - Ảnh: N.A

Các luật sư tham gia phiên tòa - Ảnh: N.A

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, bị cáo Nguyễn Nhân Chiến không hề gợi ý, không ép buộc, không thỏa thuận, không sách nhiễu doanh nghiệp. Trong vụ án này, ông Chiến không có động cơ vụ lợi.

Luật sư Tú chỉ ra rằng việc nhận 3 tỉ đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) đưa đều vào các dịp lễ tết. Bà Nhàn sắp đặt cẩn thận, khéo léo khiến người nhận khó từ chối và không thể nghĩ đó là chuyện đưa hối lộ.

Ngoài ra, luật sư cũng phân tích rằng việc nhận 1 tỉ đồng từ Trần Văn Tuynh lại càng thấy rõ trong tư tưởng của ông Chiến không có tiền bạc bởi ông Tuynh đã bị từ chối và phải chia nhỏ thành 5 lần, đợi có dịp mới khéo léo tặng quà khiến ông Chiến mất cảnh giác, cả nể mà nhận.

Về hành vi của bị cáo Nguyễn Kim Huân (cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế), luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng thân chủ của mình chỉ giữ vai trò phạm tội thứ yếu, mờ nhạt.

Theo luật sư Tuyến, hành vi của bị cáo Huân mang tính giản đơn; bị cáo phạm tội trong tâm thế buộc phải tuân theo sự chỉ đạo; bị phụ thuộc và lệ thuộc vào lãnh đạo cấp trên. Do đó, luật sư Tuyến đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo bằng thời hạn tạm giam…

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa - Ảnh: N.A

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa - Ảnh: N.A

Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, gây cản trở điều tra

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho biết trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC, các công ty trong hệ sinh thái AIC tại 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế của 3 bệnh viện đa khoa huyện.

Mặc dù CQĐT đã ra lệnh truy nã, đã gửi nhiều thông báo, thư kêu gọi đầu thú nhưng hiện bị cáo Nhàn vẫn đang bỏ trốn, gây cản trở hoạt động điều tra; không khắc phục những thiệt hại do hành vi sai phạm của mình gây ra, nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Trong vụ án này, VKS đánh giá bị cáo Nhàn chỉ đạo trực tiếp các bị cáo thuộc quyền quản lý, chịu sự ảnh hưởng của mình và lôi kéo các bị cáo bên chủ đầu tư thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi được các cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, Nhàn đã đưa hối lộ số tiền lớn.

Vụ án được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm - Ảnh: N.A

Vụ án được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm - Ảnh: N.A

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ 12 - 13 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp với bản án khác, bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù (án có thời hạn không quá 30 năm tù).

Trước đó, bà Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; 10 năm tù trong vụ án tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Gần đây nhất, bà Nhàn bị tuyên phạt 24 năm tù trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Ngoài các vụ án đã nêu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCERT (Bộ TT-TT). Hiện bị can bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phan-quyet-nao-doi-voi-cac-cuu-lanh-dao-bac-ninh-nhan-hoi-lo-cua-aic-225537.html
Zalo