Phẫn nộ với thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả (Bài 1)

Chỉ từ đầu tháng 4-2025 đến nay, liên tục nhiều đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tại nhiều địa phương trong cả nước với quy mô 'khủng' bị triệt phá gây rúng động dư luận. Người dân vừa hoang mang, vừa phẫn nộ trước những hành vi vi phạm của các đối tượng.

Bài 1: Những vụ việc gây rúng động dư luận

Thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm là những sản phẩm được đưa vào cơ thể nhằm mục đích chữa bệnh, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, vì lợi ích mà nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi vô đạo đức, hại chính đồng bào mình trong một thời gian dài.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn. Ảnh: TTXVN

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn. Ảnh: TTXVN

Đáng nói, những đối tượng mà thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả hướng đến là những người dễ bị tổn thương như: bệnh nhân, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…

Không biết tin vào đâu

Đầu tháng 4-2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan công an xác định, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tung ra thị trường tiêu thụ sữa các loại, mang lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng. Bước đầu cơ quan công an xác định có 12 sản phẩm sữa bột là hàng giả về chất lượng và đang tiếp tục điều tra làm rõ đối với 72 sản phẩm sữa bột khác.

Ít ngày sau đó, người dân cả nước lại tiếp tục bàng hoàng khi biết tin Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, bắt giữ 14 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh với tổng khối lượng lên đến 10 tấn, thu lời bất chính khoảng 200 tỷ đồng. Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH mới đây đã yêu cầu thành lập ngay tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng; các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm tổ trưởng để triển khai đợt cao điểm tấn công đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa từ ngày 15-5 đến ngày 15-6-2025.

Cuối tháng 4-2025, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô rất lớn do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm MEDIUSA (trụ sở tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), cầm đầu.

Ở tỉnh Phú Thọ, cơ quan công an đã thu giữ hơn 71 ngàn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn bột ngọt, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả, hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc là gà đông lạnh, nội tạng gà đông lạnh, xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu thập cẩm…

Chị Nguyễn Thị Minh Phương (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho biết, chị có thói quen mua hàng trên mạng, kể cả sữa và thực phẩm, thực phẩm chức năng. Do vậy, khi biết thông tin về các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, chị vô cùng bất an và lo lắng, không biết những sản phẩm mà gia đình chị dùng bấy lâu nay có phải là hàng giả hay không.

Truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm bẩn

Sau một tháng tiến hành kiểm tra đột xuất công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở vi phạm đã được phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục, đảm bảo các yêu cầu cần thiết.

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Phó trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh, cho hay đoàn đã kiểm tra tại 11 cơ sở. Kết quả, có 4 cơ sở vi phạm. Trong đó, một cơ sở ở huyện Tân Phú bị đình chỉ hoạt động ngay tại chỗ do vi phạm nghiêm trọng về điều kiện chế biến, kinh doanh thực phẩm. 3 cơ sở còn lại, đoàn kiểm tra liên ngành đã giao cho chính quyền địa phương tiếp tục xác minh, hướng dẫn và xử lý theo thẩm quyền. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm là 68,5 triệu đồng.

Để tránh mua phải thuốc giả, người dân nên mua thuốc tại cơ sở uy tín, kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc, yêu cầu cơ sở xuất hóa đơn và chứng từ để đảm bảo nguồn gốc, chú ý giá cả bất thường của thuốc. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua.

Quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy 22 mẫu thực phẩm để xét nghiệm nhanh với các chất cấm. Kết quả có 3 mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu do dương tính với hàn the. Đoàn đã tiêu hủy ngay tại chỗ 3 sản phẩm gồm: chả bó sỏi (150g), mộc giò sống (2,2kg) và chả chiên (5,4kg).

Cũng theo ông Nguyễn Đình Việt, kiểm tra thực tế tại một số công ty cung cấp suất ăn cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, đoàn kiểm tra rất lo ngại về vấn đề vệ sinh và chất lượng thực phẩm. Bởi, cả 2 công ty được kiểm tra đột xuất đều có thực phẩm dương tính với hàn the, trong khi số lượng suất ăn các cơ sở này cung cấp hàng ngày cho các doanh nghiệp rất lớn (tổng cộng cả 2 cơ sở khoảng 2 ngàn suất ăn/ngày).

Với những sản phẩm vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm tới cùng. Qua đó, xử lý tận gốc các cá nhân, cơ sở cung cấp thực phẩm vi phạm, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Với những thực phẩm có nguồn gốc ở ngoài tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai sẽ thông báo tới cơ quan chức năng của tỉnh/thành nơi phát hiện thực phẩm vi phạm để phối hợp kiểm tra, xử lý.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Đ.T. (ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, một trong những cơ sở bị xử phạt do vi phạm ATTP) Nguyễn Thành Trung cho biết, mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 1,5 ngàn suất ăn cho công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom. Mỗi suất ăn trị giá từ 15-40 ngàn đồng.

Ông Trung thừa nhận những lỗi vi phạm mà đoàn kiểm tra chỉ ra và đã ngay lập tức tiêu hủy số sản phẩm chả chiên dương tính với hàn the; tổng dọn dẹp vệ sinh khu vực chứa đựng, bảo quản thực phẩm sống, thực phẩm chín, khu vực nấu ăn; chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ cần thiết. Đồng thời, chấp hành nghiêm việc đóng phạt vi phạm hành chính.

Bà Nguyễn Thị Dân, nhân viên của Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp B.F. (ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), cho hay sẽ không mua thực phẩm có chứa hàn the của các cơ sở cung cấp cũ, thực hiện vệ sinh dọn dẹp khu vực chế biến thực phẩm sạch sẽ hơn. Đồng thời, sẽ không muối dưa chua vào các thùng nhựa không đảm bảo vệ sinh, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, đạo đức trong quá trình mua thực phẩm đầu vào, bảo quản, chế biến, vận chuyển thực phẩm đến tay người sử dụng.

Hạnh Dung

Bài 2: Thuốc giả, sữa giả có “lọt” được vào các bệnh viện?

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/phan-no-voi-thuoc-gia-sua-gia-thuc-pham-gia-bai-1-aa50347/
Zalo