Phân loại rác thế nào để không bị xử phạt?
Kể từ 1/1/2025, hộ gia đình và cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Không phân loại rác, cá nhân có thể bị phạt từ 500 ngàn đồng
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kể từ 1/1/2025, hộ gia đình và cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng. Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử thải bỏ...); chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác).
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Ông Nguyễn Thi, Giảng viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, về phân loại, đa phần người dân chưa thực hiện, vẫn để chung các loại rác thải với nhau. Về thu gom, chủ yếu sử dụng các phương tiện thô sơ, không được che đậy, gây ra tình trạng rỉ rác, bốc mùi hôi thối. Vận chuyển rác thải cũng khá xa trung tâm, phương thức xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Điều này vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí nguồn tài nguyên chất thải.
"Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại, các chất thải vẫn đang trộn lẫn với nhau. Trong đó hơn 60% là chất thải hữu cơ, hơn 20% là chất thải vô cơ tái chế được, còn lại là chất thải không thể xử lý. Chúng ta hiện nay vẫn xử lý chất thải bằng cách trộn lẫn với nhau. Nếu thu gom không đúng cách thì gây mất vệ sinh môi trường, bộ mặt mỹ quan bị ảnh hưởng" - ông Thi nói.
Dù có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhưng ông Thi cho rằng, việc xử lý vi phạm chỉ có tác dụng khi chúng ta đã phát triển cơ sở hạ tầng, đã nâng cao được nhận thức cộng đồng, có được hệ thống giám sát như camera công cộng, các tổ chức giám sát của nhân dân, tổ chức hội, phường...
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại các thành phố lớn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Cơ sở vật chất như thùng rác công cộng phân loại còn hạn chế và không được đồng bộ - đây cũng là nguyên nhân chính khiến công tác phân loại tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Đồng bộ hóa thu gom thì việc phân loại rác mới có ý nghĩa
Để không bị xử phạt, đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng chất thải không phân loại sẽ gây thiệt hại cho kinh tế, xã hội, đồng thời tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu, do lượng phát thải khí metan lớn từ chất thải hữu cơ.
Thực tế, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ sớm, nhưng còn vướng mắc. Theo bà Xuyến, thiếu hạ tầng thu gom khiến việc phân loại rác không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thực sự hình thành nền kinh tế tái chế, dẫn tới "việc tìm kiếm đầu ra cho chất thải rắn còn lúng túng".
Luật Bảo vệ môi trường xác định UBND các cấp chịu trách nhiệm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm quy định phân loại chất thải. Tính đến giữa tháng 12, có 58 địa phương đã ban hành quy định này, 5 địa phương đang chờ phê duyệt. Với chính sách phân loại rác tại nguồn, các nhà tái chế cũng kỳ vọng có nguồn nguyên liệu sạch, không lẫn rác sinh hoạt, giảm tỷ lệ hao hụt với nguyên liệu đầu vào.