Phân loại rác thải - câu chuyện không chỉ là chính sách

Việc kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải từ nguồn, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân là giải pháp quan trọng để biến rác thải thành tài nguyên.

Thực tế cho thấy, nhiều rác thải không phải là thứ bỏ đi mà là nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp hay làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp, sản xuất ra nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống... Thế nhưng, tại Việt Nam, nguồn tài nguyên rác thải đang bị lãng phí. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 70.000 tấn rác thải sinh hoạt, tuy nhiên, chỉ 15% lượng rác này được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.

 Các thành viên của Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) phân loại rác. Ảnh: LA DUY

Các thành viên của Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) phân loại rác. Ảnh: LA DUY

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho rằng: "Với lượng lớn rác thải phát sinh mỗi ngày, nếu chúng ta xử lý tốt thì đó là tài nguyên. Ngược lại, rác thải không được xử lý thì sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, để xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, biến rác thải thành tài nguyên, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm. Điều đầu tiên là phân loại rác từ nguồn. Bởi, khi không phân loại được rác thải đầu nguồn thì về công nghệ, xử lý được rác thải hỗn hợp là rất khó. Cách tốt nhất để xử lý rác thải hiệu quả là huy động sự tham gia của người dân trong việc phân loại rác. Tiếp đó là sự đầu tư các nguồn lực cho việc thu gom, xử lý rác thải. Hai việc này phải làm song song, đồng bộ".

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhìn nhận: "Ngành công nghiệp tái chế rác thải của nước ta rất tiềm năng, nhất là từ ngày 1-1-2025, theo Luật Bảo vệ môi trường, người dân buộc phải phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, để quy định phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất, đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ về nhận thức cho người dân và trách nhiệm của các địa phương, cơ quan quản lý trong việc chuẩn bị hạ tầng thu gom và xử lý rác thải. Nếu có công nghệ, hạ tầng nhưng không có sản phẩm thì không thể tái chế được; ngược lại, có sản phẩm nhưng không có hạ tầng, công nghệ thì cũng không tái chế được".

Nhấn mạnh vấn đề nhức nhối hiện nay là xử lý rác thải sinh hoạt, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho rằng: "Ngoài thực thi nghiêm túc việc phân loại rác thải tại nguồn, giải pháp dài hạn trong xử lý hiệu quả chất thải là có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, chính sách phải bảo đảm dài hạn; có cơ chế khuyến khích cụ thể đối với từng địa phương. Thực tế cho thấy, hiện các chính sách ưu đãi dành cho những đơn vị tham gia thu gom, xử lý rác thải không ít, được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng nhiều văn bản dưới luật khác. Nhưng vấn đề không chỉ là câu chuyện chính sách mà là áp dụng vào thực tế như thế nào".

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phan-loai-rac-thai-cau-chuyen-khong-chi-la-chinh-sach-799129
Zalo