Phân loại rác tại nguồn - 'khó chồng khó' mùa cận Tết

Phân loại rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc từ ngày 1/1/2025 theo Luật Bảo vệ môi trường, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai vẫn còn nhiều trở ngại lớn, đặc biệt khi bước vào dịp lễ hội cận Tết với lượng rác thải tăng đột biến.

Phân loại rác tại nguồn không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phân loại rác tại nguồn không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Vẫn nhức nhối việc phân loại rác khi vào mùa lễ hội

Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ quy định phân loại rác, dẫn đến tình trạng gom chung rác trong một túi và vứt vào thùng rác công cộng. Người dân thường cho rằng việc phân loại là nhiệm vụ của đội thu gom, tạo ra một vòng lặp khiến việc phân loại không được thực hiện đúng ngay từ khâu đầu tiên. Trong những ngày cận Tết, các khu chợ dân sinh như chợ Đồng Xuân, lượng rác thải thực phẩm và bao bì nhựa tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhưng thay vì được phân loại, chúng thường bị gom chung, gây khó khăn trong việc tái chế và xử lý.

Cạnh đó, hệ thống thùng rác phân loại tại Hà Nội còn rất hạn chế. Tại nhiều khu vực, người dân vẫn phải sử dụng thùng rác chung không phân biệt, trong khi các tuyến thu gom cũng chưa được tổ chức riêng biệt. Điều này càng trở nên trầm trọng vào dịp lễ hội, khi lượng rác thải tăng cao nhưng không có các điểm thu gom đủ chức năng. Theo ghi nhận phóng viên tại một lễ hội ẩm thực ở phố đi bộ Ngọc Khánh, một số sạp thực phẩm không có thùng rác phân loại rác, mà chỉ sử dụng thùng xốp để đựng rác. Ngay cả khi vắng khách, rác thải cũng chưa được chủ hàng phân loại, chứ chưa nói đến thời điểm đông du khách. Ngay cả trong các lễ hội lớn tại Hà Nội như Hội chợ hoa Tết, hàng nghìn túi ni lông, cành cây và rác thải thực phẩm bị bỏ lại mỗi ngày, nhưng không có thùng rác phân loại rõ ràng.

Mặc dù quy định mức phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng với hành vi không phân loại rác, nhưng việc áp dụng tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Những nguyên nhân cơ bản nhất là người dân thiếu thông tin về quy định, còn các cơ quan chức năng thiếu công cụ và nguồn lực để giám sát, xử lý vi phạm.

Tìm hướng giải quyết thực tế

Để phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh lượng rác tăng đột biến vào dịp lễ, Tết, cần có các giải pháp cụ thể và phù hợp với thực tế. Đơn cử tại Thủ đô, dư luận cho rằng việc nâng cao nhận thức cho người dân là yếu tố cốt lõi. Các chiến dịch truyền thông cần tập trung vào các khu vực đông dân cư và chợ truyền thống. Ví dụ, tại các khu chợ đông đúc như chợ Đồng Xuân hay chợ Nhà Xanh, có thể lắp đặt bảng thông báo và phát tờ rơi hướng dẫn phân loại rác ngay tại nguồn. Ngoài ra, các dịp lễ hội lớn cũng cần tổ chức các điểm tuyên truyền với hình ảnh trực quan, hướng dẫn khách tham quan cách phân loại rác đúng cách.

Quan trọng hơn hết là Hà Nội cần đầu tư vào hệ thống thùng rác phân loại rõ ràng và đảm bảo chúng được đặt tại các khu vực trọng điểm như chung cư, chợ và điểm du lịch. Cạnh đó, hệ thống thu gom rác tại Thủ đô cũng cần được cải thiện để đáp ứng yêu cầu phân loại rác tại nguồn. Nhiều người dân vẫn đặt nghi vấn, dù họ đã phân loại rác nhưng đội thu gom vẫn vứt chung vào một thùng thì việc phân loại rác tại nguồn có thực sự hiệu quả không.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, đội thu gom có thể được trang bị xe chuyên dụng với các khoang chứa riêng biệt cho từng loại rác. Đồng thời, các dịp lễ hội lớn cần có điểm tập kết rác tái chế và đội ngũ thu gom chuyên biệt để xử lý nhanh chóng, thời gian thu gom cần được điều chỉnh linh hoạt hơn. Chính quyền thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện để đảm bảo việc phân loại rác được thực hiện hiệu quả. Ví dụ, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm có thể hợp tác với các tổ chức môi trường để bố trí tình nguyện viên hướng dẫn khách tham quan bỏ rác đúng cách.

Ngoài biện pháp xử phạt, nhiều ý kiến đề xuất lãnh đạo thành phố cân nhắc triển khai các chương trình khuyến khích người dân tham gia phân loại rác. Ví dụ như các sáng kiến giảm phí thu gom rác hoặc thưởng cho người dân khi phân loại, đem đổi, bán các loại rác tái chế như nhựa, giấy và kim loại. Các chợ dân sinh cũng có thể áp dụng mô hình thu mua rác tái chế để khuyến khích tiểu thương phân loại.

Phân loại rác tại nguồn không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường và xây dựng thành phố xanh, sạch. Tại Hà Nội, thách thức trong việc thay đổi thói quen của người dân và cải thiện hạ tầng là rất lớn, đặc biệt trong dịp lễ, Tết khi lượng rác thải tăng cao. Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, đầu tư hạ tầng, đổi mới phương thức thu gom, đến tạo động lực cho người dân, việc phân loại rác có thể trở thành thói quen phổ biến và bền vững. Đáng nói, Thủ đô Hà Nội luôn được xem là “đầu tàu” có thể làm gương cho các tỉnh, thành khác noi theo.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-kho-chong-kho-mua-can-tet-post537452.html
Zalo