Phân loại rác tại nguồn: Còn thiếu thiết bị thu gom và hạ tầng xử lý
Theo Luật Bảo vệ môi trường, chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa (đến ngày 1/1/2025) người dân cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trên địa bàn tỉnh, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được ngành chức năng thực hiện thí điểm, tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị thu gom và hạ tầng xử lý.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát sinh trên 200.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tại khu vực đô thị phát sinh trên 100.000 tấn/năm; khu vực nông thôn phát sinh trên 90.000 tấn/năm. Trung bình mỗi năm lượng rác thải phát sinh tăng thêm khoảng 5%.
Thiếu phương tiện thu gom
Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên hiện nay các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn chưa có đầy đủ phương tiện, thiết bị, công nghệ xử lý chất thải sau khi phân loại.
Cụ thể, theo đánh giá của Sở TN&MT, tại địa bàn các huyện, một số đơn vị thu gom, vận chuyển rác chưa có đầy đủ phương tiện và thiết bị được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại; một số đơn vị vẫn phải sử dụng các xe tải thùng để thu gom rác do vậy chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Công ty TNHH Huy Hoàng đang thực hiện thu gom rác tại địa bàn thành phố Lạng Sơn và tuyến đường tỉnh 232 (từ đầu cầu Na Sầm đến hết địa phận thôn Kéo Van, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng). Công ty hiện có 30 xe chuyên dụng và trên 1.000 thùng rác được bố trí tại các địa điểm thu gom. Trung bình mỗi ngày đơn vị thu gom, vận chuyển trên 100 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Vào những ngày lễ tết, để đảm bảo thu gom rác kịp thời, đơn vị vẫn phải huy động các xe tải thùng (xe chuyên chở các thùng đựng rác) để chở rác. Để thực hiện thu gom đồng bộ, hiệu quả rác sau khi đã được phân loại tại nguồn theo quy định, dự kiến công ty sẽ phải đầu tư thêm 12 xe chở rác chuyên dụng và khoảng 3.000 thùng đựng rác bố trí tại các địa điểm thu gom. Kinh phí đầu tư mua sắm các phương tiện, thiết bị trên dự kiến khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tính toán, cân đối, nhưng vẫn đang gặp khó khăn về kinh phí.
Không riêng Công ty TNHH Huy Hoàng, Hợp tác xã Tiến Đạt (huyện Lộc Bình) cũng đang gặp khó khăn trong cân đối, bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác.
Bà Lưu Thúy Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt cho biết: Hiện nay đơn vị đang thực hiện thu gom rác thải tại 8 khu vực thuộc huyện Lộc Bình. Trung bình mỗi ngày đơn vị thu gom, xử lý khoảng 35 tấn rác. Phương tiện sử dụng thu gom rác là xe tải thùng, xe ép rác và xe điện, đẩy tay. Để thực hiện thu gom rác sau phân loại tại nguồn, dự kiến đơn vị sẽ phải đầu tư thêm 1 xe chở rác chuyên dụng và khoảng 500 thùng đựng rác các màu theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị đang khó khăn trong bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phù hợp.
Hạ tầng xử lý rác chưa đảm bảo
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại 6/11 huyện, thành phố. Các địa bàn còn lại chưa bố trí được quỹ đất công để làm điểm tập kết, trung chuyển rác.
Ông Ma Văn Đức, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Gia cho biết: Trung bình mỗi ngày toàn huyện phát sinh khoảng 6,5 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH MTV Môi trường Đại Nghĩa thực hiện thu gom rác thải tại một số khu vực của huyện. Rác sau thu gom được doanh nghiệp chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ và thương mại Phúc Lộc xử lý chôn lấp tại bãi rác Lân Tắng (huyện Bắc Sơn). Theo quy định, tại các đô thị thuộc huyện thì mỗi đô thị bố trí tối thiểu 1 trạm trung chuyển chất thải rắn có diện tích từ 500 - 3.000 m2. Tuy nhiên, hiện nay huyện còn khó khăn trong bố trí quỹ đất công do quỹ đất công hạn hẹp không đáp ứng được diện tích và quy mô để đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện phòng đã tham mưu UBND huyện cập nhật nhu cầu đầu tư mở rộng diện tích cơ sở xử lý chất thải, quy hoạch khu xử lý chất thải trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, toàn tỉnh hiện có 4 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 5 bãi chôn lấp. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay các lò đốt rác trên địa bàn tỉnh có công suất thấp (chỉ 2,5 tấn/giờ), chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý rác trong ngày. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 90.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt. Cùng với đó, các bãi chôn lấp rác đã được đầu tư từ lâu, quy mô công suất nhỏ hiện đã có nguy cơ xuống cấp, quá tải cần được điều tra, đánh giá và so sánh với các quy chuẩn môi trường hiện hành để có phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Ông Đinh Trọng Cảnh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp môi trường tỉnh cho biết: Chi hội hiện có 15 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Thực tế hiện một số đơn vị thuộc chi hội vẫn thiếu trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác. Nguyên nhân do các đơn vị thiếu kinh phí đầu tư; khó khăn trong tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi... Cùng đó, hạ tầng xử lý rác thải sau thu gom cũng chưa đảm bảo. Cụ thể tại bãi rác Tân Lang (xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng) hiện một số ô chôn lấp đang bị quá tải. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ các đơn vị trong tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; kéo dài thời gian thực hiện các gói thầu thu gom chất thải rắn sinh hoạt 2 hoặc 3 năm thay vì 1 năm như hiện nay để các đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác hoạt động ổn định, yên tâm đầu tư.
Từ thực tế trên có thể thấy thiết bị thu gom và hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo.
Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để triển khai đồng bộ, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, thời gian tới Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư trong thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Đồng thời, sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch, bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch tỉnh; quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư các hạ tầng kỹ thuật cơ bản và bố trí đủ kinh phí phục vụ hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Với khối lượng rác thải sinh hoạt ngày một gia tăng, việc phân loại rác thải tại nguồn được coi là giải pháp quan trọng không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, giảm tải áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác mà còn khôi phục tài nguyên từ rác. Để có thể thực hiện tốt công tác này thì việc đầu tư các phương tiện thu gom, vận chuyển, hạ tầng xử lý đồng bộ là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.