Phân loại rác tại nguồn cần có lộ trình phù hợp
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS Trần Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học Huế, cố vấn kỹ thuật Chương trình thành phố xanh quốc tế của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
* Xin PGS.TS cho biết những khó khăn, thách thức hiện nay ở các tỉnh, thành phố đối với việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và một số mô hình phân loại rác hiện nay?
- Đa số các tỉnh, thành phố đều thất bại trong công tác PLRTN, dù có hỗ trợ của các tổ chức môi trường quốc tế. Bởi quy định về PLRTN hiện vẫn chưa hoàn thiện, bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi, gia hạn thời điểm bắt buộc PLRTN. Vấn đề tài chính, các địa phương phải tăng kinh phí cho lực lượng tuyên truyền, giám sát, đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác; đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại…
Đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác, thiếu kinh phí và nhân lực cho thu gom, vận chuyển, lưu trữ và xử lý rác sau phân loại; thiếu đồng bộ giữa phân loại, thu gom và xử lý. Dân trí và thu nhập của người dân còn thấp, ý thức tự giác chưa cao, chỉ thực hiện khi có hỗ trợ từ các dự án.
Tại TP Cần Thơ, cuối năm 2018 đến tháng 4/2021, việc PLRTN phân ra làm 3 nhóm gồm rác đốt được (phục vụ cho Nhà máy điện rác Cần Thơ), rác không đốt được (gốm sứ, đất đá, gạch ngói vỡ…) và rác nguy hại. Từ tháng 5/2021 đến nay, địa phương này phân ra làm 4 nhóm gồm rác đốt được, rác không đốt được, rác nguy hại và rác tái chế.
Đầu tháng 10/2024, TP Hồ Chí Minh triển khai Đề án thí điểm PLRTN đến cuối năm 2025. Theo đó, nguồn phát sinh nhiều rác thực phẩm như chợ đầu mối, nhà hàng, trung tâm thương mại có dịch vụ ăn uống… sẽ phân thành 3 loại gồm rác có thể tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm và rác còn lại. Các nhóm đối tượng còn lại vẫn tiếp tục PLRTN thành 2 loại như trước đây, gồm rác có thể tái sử dụng, tái chế và rác còn lại.
Còn ở TP Hà Nội, từ tháng 6/2024 đã triển khai thí điểm PLRTN tại 23 phường thuộc 5 quận. Rác sinh hoạt được phân thành 4 loại gồm rác có thể tái sử dụng, tái chế; rác nguy hại; rác cồng kềnh và rác còn lại. Hiện nay, TP Huế phân rác thành 3 nhóm gồm nhóm tái sử dụng, tái chế (thủy tinh được tách riêng), rác nguy hại và rác còn lại.
* Ông có giải pháp, khuyến nghị gì cho Phú Yên để PLRTN mang lại hiệu quả và bền vững, thưa ông?
- Các mô hình PLRTN hiện làm theo quy trình ngược, PLRTN trước rồi mới tính đến thu gom, vận chuyển và công nghệ, hạ tầng xử lý rác. PLRTN sẽ tốn thêm khoản kinh phí khá lớn trong thu gom, vận chuyển và lưu giữ rác sau phân loại, nhất là rác nguy hại và rác thực phẩm. Hiện kinh phí của chính quyền địa phương cấp cho đơn vị, công ty thu gom, vận chuyển và xử lý không đủ đáp ứng cho các hoạt động.
Phú Yên cần đảo ngược quy trình này. Khi xét đến công nghệ, hạ tầng xử lý, phải xét đến thu gom và vận chuyển, cụ thể là năng lực thu gom, vận chuyển của đơn vị, công ty liên quan. Đây là nguyên nhân gây ra sự không đồng bộ trong các chiến dịch, chương trình PLRTN trước đây. Vấn đề quan trọng trước mắt đối với công tác quản lý rác thải là phải tập trung cho PLRTN và áp dụng giá dịch vụ. Hai vấn đề mấu chốt của PLRTN là công nghệ, hạ tầng xử lý rác và năng lực của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý.
Trường hợp xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện, cần ưu tiên phân thành rác đốt được, không đốt được và rác nguy hại, tiếp theo là rác tái chế. Trường hợp có nhà máy làm phân hữu cơ vi sinh, cần ưu tiên thu gom rác thực phẩm từ chợ đầu mối, nhà hàng, trung tâm thương mại có dịch vụ ăn uống… Trường hợp có nhà máy sản xuất viên nhiên liệu, cần ưu tiên thu gom rác đốt được và có nhiệt trị cao.
Để giảm áp lực cho đơn vị thu gom và vận chuyển, địa phương cần khuyến khích xử lý tại chỗ như rác thực phẩm làm thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ vi sinh, chôn lấp trong vườn nhà... nếu có điều kiện. Rác tái sử dụng, tái chế có thể bán cho các đối tượng mua bán phế liệu hay các tổ chức từ thiện có các đội tình nguyện đi thu gom. Công nhân thu gom rác nên được toàn quyền sử dụng rác tái sử dụng, tái chế để cải thiện thu nhập (đơn vị, công ty môi trường đỡ tốn nguồn lực và kho bãi lưu giữ).
Phú Yên cần phân tách rõ ràng hai công đoạn, phân loại tách biệt với thu gom, phân loại càng nhiều càng tốt, khuyến khích xử lý rác tại chỗ và hạn chế thu gom. PLRTN có thể 3-4 nhóm; thu gom rác sau phân loại càng ít nhóm càng khả thi, khoảng 2-3 nhóm ở giai đoạn đầu, sau đó tăng dần lên. Công nghệ xử lý đầu ra phải căn cứ vào thành phần rác thu gom chứ không phải phân loại. Không nóng vội, cần có lộ trình, có thể chia thành 2-3 giai đoạn. Thu gom rác sau phân loại, khoảng 2-3 loại ở giai đoạn đầu, sau đó 3-4 loại ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn đầu sử dụng một loại bao bì màu xám cho rác khác còn lại, giai đoạn tiếp theo áp dụng bao bì màu vàng, cam cho rác nguy hại, màu xanh cho rác thực phẩm.
PLRTN sẽ phát sinh nhiều chi phí như vật dụng lưu chứa, kho bãi lưu giữ, phương tiện và nhân công thu gom, vận chuyển. Tỉnh cần tính toán kỹ tính khả thi và bền vững về tài chính do quản lý rác phân loại phức tạp hơn nhiều so với rác không được phân loại. Bên cạnh đó cần quan tâm giải quyết sinh kế các thành phần thu gom rác phi chính thức (người thu nhặt rác, mua bán phế liệu…).
* Xin cảm ơn ông!
PLRTN không khó nếu làm đúng cách, đi đúng hướng. Không nóng vội mà cần có lộ trình, có thể chia thành 2-3 giai đoạn, cần đơn giản trong giai đoạn đầu, sau đó tăng dần lên. Địa phương cần tập trung nguồn lực cho PLRTN.