Phân loại rác, khó mấy cũng phải làm
Thành phố Hà Nội đang phân loại rác tại nguồn theo 4 nhóm: nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và các chất thải khác. Tuy nhiên, người dân còn khá mơ hồ về các khái niệm rác thải.
Khó phân loại rác tại nguồn
Dọc tuyến đường Cầu Giấy thuộc quận Cầu Giấy, nhiều điểm đã được thành phố đặt các thùng phân loại rác. Tuy vậy các thùng rác này gần như bị bỏ không vì bất tiện trong quá trình sử dụng.
Phường Phúc Tân là một trong 18 phường thuộc quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm thu gom, phân loại rác tại nguồn. Nhưng trên địa bàn vẫn tồn tại những điểm tập kết rác.
Nhiều nơi khác, người dân tỏ ra thờ ơ với việc phân loại rác tại nguồn. Đi một vòng qua vài con phố, không khó để bắt gặp hiện tượng người dân vứt rác tùy tiện, bừa bãi.
Đến bây giờ nhiều người dân Thủ đô vẫn chưa hiểu rõ thế nào là phân loại rác, thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn… vẫn điềm nhiên bỏ mọi thứ rác vào chung một thùng.
Sinh viên Đặng Ngọc Anh - Học viện báo chí và tuyên truyền, chia sẻ: “Rác thải mình nghĩ là có thể tái chế được thì mình sẽ để sang bên tái sử dụng, có những thứ mình thấy không thể tái chế được nữa thì mình sẽ dồn sang bên khó có thể tái sử dụng. Đối với mình, đây là một trong những hành động thiết thực để giảm nhẹ gánh nặng cho cô bác lao công. Nhưng thực tế mình thấy cũng không nhiều bạn có thói quen này và mọi người vứt rác khá tùy tiện”.
Phân loại rác từ đầu nguồn theo đúng 3 loại đã khó, việc thu gom rác đã phân loại lại càng khó hơn. Mỗi công nhân sẽ được phân công một khu vực để thu gom và tập kết rác. Nếu áp dụng thu gom, phân loại theo đúng quy định đòi hỏi phải có các loại xe rác chuyên dụng.
Phân loại rác cần xã hội chung sức, đồng lòng
Phòng giám sát trật tự đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đặt tại trụ sở UBND quận. Những màn hình lớn có chức năng ghi hình, giám sát việc đổ rác và phân loại rác. 32 mắt camera tại 32 đường phố, tuy chưa phủ được diện rộng nhưng cũng có tác dụng kiểm soát những điểm tập trung đông cư dân, khu vực buôn bán hàng quán sầm uất, nhất là khu phố cổ - nơi thường xuyên có sự hiện diện của khách du lịch.
Nhưng, nhà mặt phố cổ tấc đất tấc vàng, nhà nhà buôn bán nên không có chỗ để đặt thùng rác. Những gia đình sống trong ngõ để rác ra hè phố thường bị chủ cửa hàng tỏ ra khó chịu. Người bán hàng thì cứ tiện tay là vứt rác xuống đường.
Không phải đây là lần đầu tiên quận Hoàn Kiếm thiết lập quy trình phân loại rác. Vào những năm 2000, quận đã có sáng kiến phát túi ni lông và hai thùng rác khác nhau để người dân tự phân loại trước khi đem ra nơi tổng kết, thế nhưng sau một vài năm, đâu lại vào đó, phần lớn người dân có thói quen cũ, không muốn chấp hành theo cái mới.
Một thực tế là chính quyền phường chỉ có thể giám sát và lập biên bản xử lý với những hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn nếu có vi phạm, nhưng với trường hợp khách vãng lai, người không có giấy tờ tùy thân thì khó mà xử phạt.
Về công tác thu gom rác, Công ty môi trường đô thị Hà Nội đã xóa bỏ hoàn toàn điểm tập kết rác ban ngày trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và chỉ thu gom rác một lần trong ngày, người dân phải tuân thủ quy định về thời gian và địa điểm đổ rác để đảm bảo không phát sinh rác ban ngày. Để thực hiện được điều này, mỗi người dân phải chủ động tuân thủ quy định phân loại rác tại nhà và bỏ rác đúng nơi quy định.
Ai xử phạt những người có hành vi không phân loại rác tại nguồn?
Hoàn Kiếm là quận duy nhất ở Hà Nội thực hiện phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả 18 phường. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường và nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định rõ ràng về việc xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi với các mức phạt khác nhau, nhưng trên thực tế, Hoàn Kiếm đang khó xử phạt được các đối tượng vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Hải (số 28 phố Hàng Đồng, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm ) hiểu rõ việc bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định có thể sẽ bị xử phạt bằng tiền, nhưng vì lý do rác là chất bẩn, nhà có cháu nhỏ, nên bà bỏ tạm ra ngoài đường. Bà Hải cho biết: “Bất đắc dĩ tôi mới phải để ra thôi, vì có thông báo hết rồi. Tôi biết sẽ bị xử phạt nhẹ nhất là 500 nghìn đồng, mức hai là 1 triệu, rồi 1,5 triệu”.
Nghị định số 45 có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 đã quy định rõ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm cả hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính và thầm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Mọi tổ chức, cá nhân nếu vi phạm sẽ chịu mức phạt theo quy định. Tuy vậy, việc xử lý các hành vi đổ rác không đúng quy định vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ 1/1/2025 bắt buộc thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có thể xem xét trang bị hệ thống camera nhận diện và sử dụng công nghệ mới để giám sát, xử lý triệt để những hành vi vi phạm, tăng tính răn đe.
Song, điều quan trọng là mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức cần nêu cao ý thức thực hiện phân loại rác tại nguồn để xây dựng môi trường của Thủ đô xanh, sạch, đẹp.
Người Nhật phân loại rác thải như thế nào?
Nhật Bản là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới. Đó là nhờ công tác xử lý rác thải hiệu quả nhất cùng với việc phân loại rác chi tiết và tỉ mỉ từ các hộ gia đình.
Người dân Nhật Bản phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phân loại và lịch đổ rác. Việc thu gom rác thải là do chính quyền thành phố quản lý chứ không phải chính quyền trung ương nên quy định phân loại có thể khác theo từng địa phương.
Thông thường vào đầu năm, các trạm thu gom rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch ghi rõ các ngày gom loại rác nào để giúp người dân nắm chắc thông tin. Rác phải được phân đúng loại, bỏ vào túi theo màu quy định. Nếu vi phạm, nhân viên thu gom có quyền từ chối tiếp nhận, đồng thời dán phiếu nhắc nhở các hộ dân thực hiện đúng cách.
Hầu hết các địa phương ở Nhật phân loại rác thải thành 4 loại chính: rác cháy được, rác không cháy được, rác tái chế và rác cồng kềnh.
Rác cháy được bao gồm các loại rác nhà bếp như rau, củ, thịt cá, các loại giấy, gỗ, vải, da. Một số nơi còn quy định rác cao su, nhựa không có ký hiệu tái chế vào loại rác cháy được. Rác thải từ nhà bếp phải được vắt hết nước, bọc bằng giấy báo và cho vào túi, buộc chặt trước khi mang ra thùng rác.
Rác không cháy gồm kim loại, thủy tinh, đồ gốm, nhựa cứng. Một số địa phương cũng xếp các thiết bị điện tử, bật lửa, pin khô, các loại bình xịt vào danh mục này. Những loại vật dụng sắc nhọn dễ gây thương tích như dao kéo, cốc vỡ, kim tiêm cần được đóng trong túi có kí hiệu nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho nhân viên thu gom.
Rác tái chế hay còn được gọi là rác tài nguyên bao gồm những loại như chai lọ, lon nhôm, lon thiếc, tạp chí, sách báo, bìa cứng, giấy vụn, vỏ hộp sữa... sẽ được thu gom để chuyển tới các nhà máy tái chế.
Rác cồng kềnh như các thiết bị gia dụng, đồ nội thất, nệm có kích cỡ khoảng trên 1m². Người dân liên lạc với công ty xử lí rác thải để nhận thông tin về ngày thu gom hoặc kiểm tra trên website địa phương để biết thông tin. Đây là dịch vụ có trả phí. Người dân sẽ mua các nhãn dán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và dán vào vật dụng cần vứt bỏ, sau đó mang ra điểm thu gom vào ngày đã đăng ký trước đó.
Ngoài 4 loại rác chính, các địa phương cũng có thể thiết lập nhiều hạng mục khác để quản lý phân loại rác độc hại như pin, nhiệt kế hay rác thu gom được chuyển đến cửa hàng đồ cũ. Việc đổ rác cũng có thể tùy thuộc vào nơi ở. Các chung cư thường có khu đổ rác riêng. Nếu ở nhà đất, người dân cần gom và đổ từng loại rác vào những ngày được phép.
Việc phân loại rác có thể khó khăn lúc ban đầu, thế nhưng nếu ai cũng làm đúng thì lâu dần sẽ trở thành thói quen, giúp bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm. Các nước tiến bộ đã áp dụng các biện pháp xử phạt rất hiệu quả và giờ đây việc phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân. Đó là điều mà chúng ta cần học hỏi.