Phân loại doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: Sẽ thuận lợi hơn về thủ tục hải quan
Việc phân loại doanh nghiệp không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ mà còn thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu sản phẩm.
Tại buổi hướng dẫn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ do Chi hội Gỗ dán Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức chiều 1/11, tại Hà Nội, bà Nguyễn Tường Vân - chuyên gia VPA/FLEGT (thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) cho biết: Việc phân loại doanh nghiệp có nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ thì doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu sản phẩm.
Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ quy định đối tượng phân loại doanh nghiệp là doanh nghiệp có hoạt động chế biến đồng thời với hoạt động xuất khẩu gỗ.
Mới đây, Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/11/1024.
Bà Nguyễn Tường Vân cho biết: Việc phân loại doanh nghiệp là tất yếu khi các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp ngày càng nghiêm ngặt. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có Đạo luật Lacey, EU có Quy chế gỗ (EUTR) và Quy chế không gây mất rừng (EUDR), Australia có Luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp, Nhật Bản có Luật gỗ sạch, Hàn Quốc có Luật sử dụng gỗ bền vững, Anh có Quy chế sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ.
Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU; Thỏa thuận về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ nhằm cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng. EU, Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam phải xác minh từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang các thị trường này để đảm bảo là gỗ hợp pháp.
Ước tính hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng triệu lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Cơ quan chức năng của Việt Nam không thể xác minh từng lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ trước khi xuất khẩu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu khẩu gỗ.
Do đó, thay cho việc xác minh từng lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Tường Vân cho hay.
Bà Nguyễn Tường Vân cho hay, việc phân loại doanh nghiệp nhằm đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam về việc tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Hệ thống VNTLAS. Là cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xác minh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU một cách phù hợp, hiệu quả và kịp thời. Việc phân loại giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Trong phân loại, doanh nghiệp đạt tiêu chí nhóm I là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp; tuân thủ pháp luật về nguồn gốc gỗ hợp pháp… Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh hoặc lâm sản của doanh nghiệp nhóm I khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển không phải xác nhận Bảng kê lâm sản.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hùng (Hà Nội) bày tỏ, việc phân loại doanh nghiệp có nhiều lợi ích. Nếu doanh nghiệp được xếp hạng nhóm I, doanh nghiệp sẽ dễ dàng, thuận tiện trong khai báo hải quan xuất khẩu.
Ông Trịnh Xuân Dương, Chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam cũng đánh giá, với gần 1.700 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, khi đánh giá doanh nghiệp sẽ nhanh hơn so với đánh giá từng container hàng xuất khẩu. Việc phân loại doanh nghiệp cũng đánh giá về sự uy tín của doanh nghiệp vì sản phẩm tốt hay xấu là do doanh nghiệp chứ không phải do sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Dương cũng kiến nghị, việc đánh giá phân loại doanh nghiệp cần có lộ trình, đặc biệt mới những thị trường nhập khẩu nhỏ, thị trường chưa có yêu cầu về phân loại doanh nghiệp hay gỗ hợp pháp. Hay việc đánh giá cũng cần được áp dụng với quy mô từng loại doanh nghiệp, bởi như các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất gỗ dán hầu hết đi lên từ làng nghề. Việc họ có thể đáp ứng được ngay nhiều tiêu chuẩn cao như: phòng cháy chữa cháy, lao động, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm… là rất khó. Bởi vậy, việc ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 120/2024/NĐ-CP, cơ quan chức năng cần tính đến yếu tố trên.