Phản hồi bài 'Làm mới vỉa hè, bức tử cây xanh': Rà soát lại toàn bộ cây xanh bị xâm hại, kiến nghị xử lý nhà thầu vi phạm
Chiều 26-3, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM về vấn đề cải tạo vỉa hè xâm hại đến cây xanh trên địa bàn.
Sau khi Báo SGGP đăng bài “Làm mới vỉa hè, bức tử cây xanh”, chiều 26-3, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh đã có báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM về vấn đề cải tạo vỉa hè tác động đến cây xanh trên địa bàn.

Tạm ngưng hợp đồng nhà thầu thi công xâm hại cây xanh. Ảnh: QUỐC HÙNG
Cụ thể, 16 dự án chỉnh trang vỉa hè (bao gồm 37 tuyến đường) được UBND TPHCM phê duyệt chủ trương và UBND quận 1 phê duyệt thực hiện từ cuối năm 2024 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Các dự án này do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục thay mới bó vỉa và bồn cây xanh bằng đá granite.
Việc thi công diễn ra từ đầu năm 2025, chủ yếu vào ban đêm (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng) nhằm giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đã có những ảnh hưởng nhất định đến hệ rễ cây xanh trên vỉa hè, gây ra phản ánh từ người dân và báo chí.
Về việc đốn hạ 8 cây và cắt tán 9 cây lim xẹt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cụ thể, ngày 24-3, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành), việc thi công đã tác động đến hệ rễ của 17 cây lim xẹt.
Sau khi kiểm tra, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh quyết định đốn hạ khẩn cấp 8 cây lim xẹt (mã số 213, 217, 219, 225, 257, 259, 263, 265) do nguy cơ ngã đổ khi thời tiết bất lợi; cắt tỉa tán của 9 cây còn lại (mã số 215, 223, 231, 233, 235, 241, 243, 245, 267) để giảm nguy cơ gãy đổ cành.
Việc đốn hạ được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường, tránh rủi ro trong mùa mưa bão. Đồng thời, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật đã đề nghị Ban Quản lý Dự án quận 1 chấn chỉnh công tác thi công để không tiếp tục xảy ra tình trạng xâm hại cây xanh.

Thi công vỉa hè xâm hại cây xanh, khu vực trước Nhà Văn hóa lao động. Ảnh: QUỐC HÙNG
Về công tác giám sát bảo vệ cây xanh trong quá trình thi công, trước khi thi công, UBND quận 1 đã chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn giám sát thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cây xanh như không đào vào bồn cây hiện hữu, chừa nền vỉa hè quanh cây lớn, không tác động đến rễ, thi công cuốn chiếu, tái lập nền nhanh chóng để ổn định đất xung quanh cây.
Trong quá trình thi công, do một số cây lâu năm có tán rộng, thân nghiêng, rễ phát triển trồi lên vỉa hè gây nứt vỡ, nên khó tránh khỏi việc ảnh hưởng một phần đến hệ rễ cây.
Tại một số tuyến đường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học (thuộc 9 tuyến vỉa hè đã cải tạo trong năm 2024), dù không tác động đến rễ, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật vẫn thực hiện đốn hạ và trồng cây mới thay thế để đảm bảo an toàn.

Cắt cành, đề phòng ngã đổ. Ảnh: QUỐC HÙNG
Ngay sau sự việc, UBND quận 1 đã chỉ đạo tạm dừng thi công và rà soát lại toàn bộ các vị trí cây xanh bị xâm hại, yêu cầu hoàn trả các bồn cây, đảm bảo sự ổn định và an toàn cây xanh. Đơn vị tư vấn giám sát phải kiểm tra kỹ biện pháp thi công, nếu không đảm bảo thì tạm ngừng và báo cáo để xử lý.
Giải pháp trong thời gian tới, UBND quận 1 tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh để đảm bảo không tiếp tục tái diễn tình trạng xâm phạm cây xanh. Nếu vi phạm tiếp tục xảy ra, UBND quận 1 sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Cùng với đó, xem xét tạm ngừng thi công, tạm ngừng hợp đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt các nhà thầu vi phạm.
UBND quận 1 cũng cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ cây xanh trong quá trình cải tạo vỉa hè.