Phân định thẩm quyền giữa các Tòa án
Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Quốc hội bày tỏ phân vân về quy định số lượng thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao 'không ít 23 người và không quá 27 người'.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nhiều bản án phát hiện sai nhưng kiến nghị xong thì hết thời hiệu
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), nguyên Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đặt vấn đề, trước đây Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là không dưới 13 người và không trên 17 người, tại sao lại lên 23 - 27 người, “chắc lý luận hiện nay Tòa án cấp cao không còn và chức năng giám đốc thuộc về Tòa án tối cao, do vậy cần thẩm phán Tòa án tối cao”. Vấn đề này phải phân tích, có cơ sở pháp lý.
Về từ ngữ, ông đề nghị sửa chữ “không ít” thành “không dưới”. Về số lượng, ông phân tích, dự thảo đã quy định Tòa án cấp tỉnh có quyền giám đốc thẩm, tái thẩm, số lượng án của cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm rất nhiều. Theo mô hình này, Tòa án cấp sơ thẩm (Tòa án khu vực) có chức năng, nhiệm vụ xử hầu hết các loại án (án hình sự có khung hình phạt dưới 20 năm, các loại án kinh doanh thương mại, dân sự, hành chính, lao động), do vậy, xử phúc thẩm thuộc cấp tỉnh. Tòa án cấp tỉnh vừa xử sơ thẩm một số án trên 20 năm, vừa phúc thẩm án của Tòa án khu vực.
“Do vậy tòa án Tối cao còn rất ít án. Việc tăng từ 13 – 17 lên 23 – 27 theo tôi cần cân nhắc, xem xét lại, bởi lẽ căn cứ số lượng này thấy rằng so với án giám đốc của Luật cũ không nhiều lắm, chỉ tăng chút đỉnh. Phải tính thật kỹ cho hợp lý”, đại biểu Chính nói.
Góp ý vào Điều 55 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đại biểu này cho rằng, quy định Tòa án tỉnh được quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật khi có kháng cáo, kháng nghị là hợp lý. Luật hiện hành không quy định quyền hạn này, nên Tòa án cấp tỉnh không có cơ sở để quản lý Tòa án cấp huyện dẫn đến tình trạng “nhiều khi bản án biết phát hiện sai nhưng kiến nghị xong thì hết thời hiệu”. Tuy nhiên, ông Chính đề nghị bổ sung nên đưa kháng nghị giám đốc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm cho cấp tỉnh.
Theo quy định, quân khu là ngang cấp tỉnh, trước đây quân khu được quyền giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung chưa bổ sung Tòa án Quân sự quân khu, vô hình chung quân khu không được giám đốc và tái thẩm. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung Tòa án quân khu được giám đốc và tái thẩm các vụ án có hiệu lực pháp luật khi có kháng nghị.
Cân nhắc về mô hình tổ chức, quy mô 3 tòa phúc thẩm
Nhất trí với các lý do cần phải sửa đổi, bổ sung hai luật trên tại Kỳ họp thứ 9 để phục vụ cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cũng tán thành với việc tổ chức Tòa án theo 3 cấp.
Bà Thủy cho rằng, hiện đang có 3 Tòa án cấp cao để thực hiện các nhiệm vụ phúc thẩm các bản án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp dưới, với tổng số lượng thẩm phán là 170. Khối lượng công việc các Tòa án này đang phải giải quyết rất lớn. Theo số liệu báo cáo về công tác xét xử của Tòa án trong năm 2024, số lượng án giám đốc thẩm, tái thẩm do 3 Tòa án cấp cao thụ lý và giải quyết là 6.957 đơn và án đã được giải quyết trên tổng số 11.152 đơn, vụ đã thụ lý. Tổng số lượng án giám đốc thẩm và tái thẩm của Tòa án tối cao và Tòa án cấp cao là 10.192/16.096 vụ đã được thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt 63,32%.
“Đây là số liệu chúng ta cần xem xét khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong Luật tổ chức mới này”, bà Thủy nói.
Theo bà, mặc dù phân định lại nhiệm vụ, đưa phần lớn các án sơ thẩm về Tòa án nhân dân khu vực, số lượng án sơ thẩm tại Tòa án cấp tỉnh cũng giảm đi rất nhiều, số lượng án phúc thẩm sẽ giải quyết ở Tòa án tối cao thay cho các Tòa án cấp cao hiện nay. Do đó, việc duy trì tổ chức 3 tòa phúc thẩm cũng phải cân nhắc rất cụ thể về mô hình tổ chức, quy mô.
Bày tỏ lo ngại đối với án về giám đốc thẩm, tái thẩm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy phân tích, mặc dù Tòa án cấp tỉnh đã được giao thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp khu vực, nhưng con số này sẽ rất nhỏ. Đa phần các vụ án, kể cả hình sự, dân sự, hành chính, sau khi xét xử thì các đương sự, ngay cả Viện Kiểm sát, Tòa án, đều có đơn đề nghị phúc thẩm và sau phúc thẩm là đến giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đa phần những án giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ là những bản án do Tòa án cấp tỉnh xử lý, nên phần Tòa án cấp tỉnh thực hiện việc giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ giảm tải được một phần, nhưng không phải là nhiều và các án giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn sẽ dồn lên Tòa án nhân dân tối cao.
Từ lý giải trên, bà nhận định, “mặc dù chúng ta đề xuất tăng thêm số lượng thẩm phán Tòa án tối cao từ 13 đến 17 thì bây giờ tăng thêm 10 người nữa, lên 23 đến 27, tôi nghĩ cũng không thấm gì so với con số 170 thẩm phán đang tiến hành công việc này tại các Tòa án cấp cao hiện nay. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến phương án mang tính tổng thể và căn cơ hơn, đấy là phân quyền nhiều hơn cho Tòa án cấp tỉnh trong việc xử lý các án giám đốc thẩm, tái thẩm”.
“Không tổ chức các Tòa án cấp cao nữa thì các thẩm phán có kinh nghiệm ở Tòa cấp cao có thể được tăng cường cho các Tòa án cấp tỉnh, nên việc xử lý các án về giám đốc thẩm, tái thẩm đa phần nên được thực hiện ở cấp tỉnh. Thứ nhất là phù hợp với năng lực, trình độ mà đã được tăng thêm. Thứ hai là giảm bớt những thủ tục, giảm bớt những khó khăn khi tất cả đều dồn lên Trung ương để xét xử”, bà Thủy đề xuất.
Bà cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao vẫn nên tập trung nhiều hơn vào công tác hướng dẫn xét xử, tổng kết công tác xét xử, giám đốc hoạt động xét xử nói chung, như các Tòa án tối cao của nhiều quốc gia khác, thay vì việc đi vào những vụ việc cụ thể. Quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền giữa các Tòa án trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án cần phải tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh mang tính căn cơ hơn.