Phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước

Chiều 29/11, thảo luận dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước

Cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều đại biểu đánh giá cao mục đích, quan điểm xây dựng luật trên quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Trích dẫn Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh cần “Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”. Trên cơ sở này, đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điều 40 của dự thảo luật: cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ căn cứ và yêu cầu thực tiễn của quy định "một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn" để Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng cho ý kiến về Điều 40 của dự thảo luật, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tại Điều 40 về cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một khoản quy định về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, cần tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành và địa phương, qua đó giảm thiểu được các quy trình, thủ tục phức tạp, rút ngắn được thời gian xử lý công việc nhằm tranh thủ các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thực hiện một cách chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có cơ chế và nguồn lực để sẵn sàng đầu tư tăng vốn giúp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có ưu thế hơn mô hình cơ quan hành chính nhà nước trong việc thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn về đầu tư và quản trị doanh nghiệp thông qua chế độ lương, đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân người tài. Việc giám sát, đánh giá về kết quả hoạt động đối với mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn là hoàn toàn khả thi.

“Doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có cơ chế hoạt động riêng đặc thù, chi tiết chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này sẽ do Chính phủ quy định”, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị.

Về mô hình cơ quan chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho biết, Điều 40 của dự thảo luật quy định có 5 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số các tổ chức, cá nhân khác. Đại biểu cho rằng, đây là các cơ quan quản lý nhà nước hoặc hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ 2018, nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực, mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn, điều hành doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, kế hoạch, kế toán, kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ với công chúng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ là căn cứ quan trọng để quyết định xây dựng các cơ chế về quyền, trách nhiệm của cơ quan này đối với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố đặc thù riêng của Việt Nam, chúng ta cần phải xác định rõ mô hình của cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay là một dạng của quỹ đầu tư của Chính phủ, từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp và hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu thành một đầu mối thống nhất, trừ trường hợp các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp có tính chất đặc thù về quốc phòng an ninh để tránh sự phân tán và thiếu đồng nhất trong quản lý, điều hành, nhằm gia tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ sở hữu.

Làm rõ quyền và trách nhiệm chủ yếu của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước

Về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, một số đại biểu cho biết, điểm c khoản 1 Điều 41 quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có quyền quyết định phê duyệt “kế hoạch kinh doanh” của doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Theo điểm b khoản 2 Điều 14, Kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp bao gồm những nội dung cơ bản như mục tiêu, doanh thu, lợi nhuận, phương án phân phối lợi nhuận, số nộp ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển… Để thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, đại biểu đề nghị giao thẩm quyền quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh từ cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sang doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ cho ý kiến về một số chỉ tiêu chủ yếu để bảo đảm phù hợp với chiến lược kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như mục tiêu, doanh thu, lợi nhuận, phân phối lợi nhuận, số nộp ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Khoản 1 điều 41 dự thảo luật quy định giao một số nhiệm vụ đặc thù cho doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu chính trị, chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết tình huống khẩn cấp và các tình huống đặc biệt khác. Góp ý quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hướng dẫn cụ thể về nội dung này, nhất là đối với trường hợp phát sinh lỗ, không bảo toàn được vốn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cũng quan tâm góp ý hoàn thiện quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan tổ chức vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Điều 41 và 42, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét tập trung vào các nhóm quyền và trách nhiệm chủ yếu của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước, bao gồm:

Ban hành điều lệ hoạt động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc cho ý kiến để người đại diện vốn xây dựng điều lệ hoạt động đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối và quy chế hoạt động của Ban kiểm soát.

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Ban hành hoặc cho ý kiến để người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Riêng kế hoạch sản xuất hằng năm, chỉ nên cho ý kiến để Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị ban hành.

Lựa chọn và cử người đại diện vốn vào các vị trí quản lý, điều hành, tham gia điều hành Ban kiểm soát và các kiểm sát viên tại doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát, kiểm tra, cảnh báo việc quản lý dự án đầu tư, quản lý dòng tiền, tuân thủ chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt yêu cầu bảo toàn phát triển vốn nhà nước trên cấp độ tổng thể theo mục tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lan Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91389
Zalo