Phấn đấu sớm xuất bản bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên
Ngày 23-5, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nội dung bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên và PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Trường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài, đồng chủ trì Hội nghị Hội đồng thẩm định nội dung bản thảo (2 tập) bộ sách.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng và PGS.TS Nguyễn Duy Bắc đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định; các thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia, nhà khoa học và Ban Chủ nhiệm Đề tài.


Các đại biểu dự Hội nghị.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học, bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (2 tập) là công trình khoa học có quy mô lớn, được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Chủ nhiệm Đề tài cùng các thành viên Ban soạn thảo thực hiện công phu, bài bản, đã kế thừa và khai thác các nguồn tư liệu lịch sử, địa chí, khảo cổ, kết hợp phương pháp nghiên cứu lịch sử phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Trường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài, phát biểu tại Hội nghị.
Bản thảo bộ sách đã phác họa được "bức tranh" lịch sử liên tục, thống nhất và đặc sắc của vùng đất Thái Nguyên - từ khởi nguồn đến nay; đồng thời làm nổi bật vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Đây là công trình có giá trị tư liệu cao, sử dụng hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống, nghiên cứu khoa học, giữ gìn lịch sử và bản sắc văn hóa địa phương.

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học cũng lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số ý về tính đặc thù của Thái Nguyên trong từng thời kỳ, so sánh với các địa phương lân cận để làm rõ vai trò của tỉnh trong từng giai đoạn; bổ sung, cập nhật thêm hình ảnh minh họa, tư liệu mới, bảo đảm tính thời sự; đồng thời lưu ý hoàn thiện trình tự văn bản từ lời mở đầu đến kết luận...

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Các thành viên Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học cũng đề nghị sau khi xuất bản, bộ sách cần được số hóa nhằm phục vụ công tác học tập, nghiên cứu và giáo dục lịch sử địa phương của cán bộ, công chức, nhân dân và trong các nhà trường một cách thuận tiện, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua nội dung bản thảo (2 tập) bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Hội đồng thẩm định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài. Đồng chí giao các thành viên Hội đồng thẩm định và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến vào hai tập bản thảo, gửi ý kiến tham gia bằng văn bản về Ban soạn thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban soạn thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến tại Hội nghị, góp ý của các tổ chức, cá nhân ngoài Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện nội dung bản thảo, bảo đảm chất lượng. Trong đó lưu ý cập nhật việc tổ chức sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; bổ sung tư liệu, tài liệu, hình ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên… Những nội dung còn ý kiến khác nhau cần có sự trao đổi giữa cơ quan soạn thảo và các tổ chức, cá nhân góp ý để làm rõ, đi đến thống nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện, phấn đấu hoàn thành và xuất bản bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên trong thời gian sớm nhất.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trước đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để góp ý vào nội dung bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên tập 1, tập 2.