Phấn đấu hoàn thành phổ cập GDMN từ 3 đến 5 tuổi trên toàn quốc vào năm 2030

Phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Sáng 22/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi (Nghị quyết).

Cần thiết ban hành Nghị quyết

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn viện dẫn một số văn bản như: Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 (Kết luận 91) của Ban chấp hành Trung ương ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết 42) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đồng thời yêu cầu “yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ; các Bộ, ngành; tỉnh ủy, thành ủy; các ban Đảng, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, Đảng ủy các cấp khẩn trương thực hiện Nghị quyết”.

Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội để thực hiện từ năm học 2025-2026, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể hóa Kết luận 91, Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo. Đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

 Toàn cảnh phiên làm việc sáng 22/5.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 22/5.

Tập trung giải quyết các vấn đề

Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như sau:

Thứ nhất, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.

Thứ hai, việc phổ cập được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định.

Thứ ba, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, Nghị quyết quy định: Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết; các nội dung cần được quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách bao gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu;

Nghị quyết cũng yêu cầu bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; Bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non;

Cùng với đó là chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; Nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và các chính sách phát triển giáo dục mầm non phù hợp quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, GDMN đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu. Mạng lưới cơ sở GDMN phát triển rộng khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường; các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên.

Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (Trong đó có: 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.

Tuy nhiên, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện PCGDMNTMG cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, trẻ mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW “đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi“, Kết luận số 91-KL/TW yêu cầu "Từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi".

Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội tạo căn cứ, cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non, trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương.

Đồng thời, có thời gian chuẩn bị, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, triển khai thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi đối với việc hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, trẻ mẫu giáo vào năm 2030.

Do đó, việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc về mặt lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển chung, vì sự tiến bộ của đất nước trong thời kỳ "vươn mình" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban chấp hành Trung ương.

Quốc hội sau khi thông qua Nghị quyết, sẽ kịp thời giao nhiệm vụ cho Chính phủ rà soát, ban hành các quy định, chính sách cụ thể, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Vì những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu "hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030" trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết và phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 51 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15. Các chính sách đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các Luật hiện hành.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều. Nội dung quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, áp dụng đối với người học là trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-dau-hoan-thanh-pho-cap-gdmn-tu-3-den-5-tuoi-tren-toan-quoc-vao-nam-2030-post732227.html
Zalo