Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công
Năm 2025, vùng Đông Nam Bộ được phân bổ 20% tổng vốn đầu tư công của cả nước. Đây là nguồn lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cảng Gò Dầu tại Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc
Đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân và phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công là yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 của Chính phủ, khi làm việc với các đơn vị, địa phương vào ngày 24-4.
Giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước
Năm 2025, Chính phủ giao 13 đơn vị, địa phương thuộc Tổ Công tác số 3 phụ trách hơn 165 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công. Hết quý I-2025, các đơn vị, địa phương mới giải ngân được khoảng 4,7%, thấp hơn bình quân chung cả nước 9,5%. Trong số 6 địa phương, chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước, còn lại là thấp hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, năm nay, Chính phủ giao vốn cho tỉnh hơn 15,7 ngàn tỷ đồng. Đến hết quý I, tỉnh giải ngân được hơn 6% và đến ngày 22-4 tăng lên 8,6%. Một số nguyên nhân dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm là Dự án Đường liên cảng Nhơn Trạch phải chờ điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thời gian qua chậm, đấu giá quyền sử dụng đất chưa đạt mục tiêu đề ra…
Nhận diện rõ các vướng mắc này, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt để khắc phục như: giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện sổ tay về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này cho các dự án; giao Sở Tài chính chủ trì làm việc với chủ đầu tư ít nhất 2 lần/tháng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; giao Sở Xây dựng thường xuyên thanh, kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai thi công; yêu cầu UBND cấp huyện tập trung tối đa công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi công các dự án trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi cho biết, năm nay, địa phương được phân bổ nguồn vốn gần 17,3 ngàn tỷ đồng. Trong quý I, tỉnh đã giải ngân được gần 4,9% kế hoạch, thấp hơn so với bình quân cả nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp như: địa phương đang hoàn thiện hồ sơ các khu đất đấu giá quyền sử dụng, có 3 công trình thuộc công trình mục tiêu quốc gia có sự chồng lấn tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ…
“Tỉnh sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao” - ông Mi cho hay.
Theo các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, có 2 vấn đề lớn ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn khiêm tốn. Một là liên quan tới việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy: một số đơn vị phải tạm dừng khởi công mới đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công; dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh dẫn đến chưa phân bổ kế hoạch vốn; công tác thanh, quyết toán bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng do sự thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình tại địa phương và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy; việc sáp nhập các sở, ngành dẫn đến thay đổi chủ đầu tư, nên chậm thực hiện thủ tục giải ngân...
Nhóm thứ 2 là công tác triển khai dự án: một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để giải ngân; dự án ODA phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do vượt tổng mức đầu tư, tăng chi phí đền bù; nhiều dự án đang vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đa phần giao về cấp xã triển khai, công tác phân bổ vốn còn chậm, năng lực quản lý thực hiện của cấp xã còn nhiều hạn chế.
Năm 2025, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 bộ, ngành trung ương thuộc Tổ Công tác số 3 được giao hơn 165 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công.
Tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân 100% vốn
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với bình quân cả nước và cao nhất trong 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Chia sẻ về kết quả này, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã yêu cầu triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu sở, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, nắm chắc tình hình, xác định rõ các vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để có giải pháp tháo gỡ. Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Cùng với đó là tăng cường thanh, kiểm tra công vụ để xử lý các tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong buổi làm việc trực tuyến với các địa phương ngày 24-4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương đã đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trọng tâm là quán triệt, chỉ đạo các cấp xác định đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên; đối với các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo, tháo gỡ, hướng dẫn, thậm chí cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ các đơn vị cấp xã; đảm bảo phân bổ hết nguồn vốn ngân sách trung ương cho các dự án từ sớm; đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn…

Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nhơn Trạch.
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên. Do đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để góp phần nâng tỷ lệ bình quân chung của vùng và cả nước, vì vùng chiếm 20% tổng vốn đầu tư.
Cũng theo Phó thủ tướng, để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 100%, các đơn vị, địa phương cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt hơn, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án. Nghiên cứu công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không tổ chức cấp quận, huyện.
Trước kiến nghị của các địa phương, Phó thủ tướng đề nghị các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và môi trường, Tư pháp hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trọng tâm là xử lý dứt điểm khó khăn về khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản; đơn giá đất, tư vấn xác định giá đất; thủ tục đầu tư, đấu thầu, ký hợp đồng triển khai dự án.