Phấn đấu đến năm 2045, kinh tế tư nhân đóng góp vào khoảng trên 60% GDP

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị diễn ra sáng 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng... Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW"

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Theo đó, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật gồm:

Một là, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.

Hai là, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong Nhân dân.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đại biểu tham dự Hội nghị

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đại biểu tham dự Hội nghị

Ba là, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Bốn là, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW là đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.

Đến năm 2045, đưa kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nghị quyết đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 03 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong đó, nội dung trọng tâm của 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là: (1) Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; (2) Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; (3) Tăng cường tiếp cận các nguồn lực; (4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; (5) Tăng cường kết nối doanh nghiệp; (6) Phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; (7) Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; (8) Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Đảm bảo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Để Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, lưu ý một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, để đảm bảo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc quyết liệt; Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết số 68-NQ/CP tập trung chỉ đạo; định kỳ rà soát, đôn đốc bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân"

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân"

Thứ hai, trên cơ sở bám sát nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/20205/QH15 của Quốc hội và Kế hoạch hành động của Chính phủ, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Kế hoạch hành động của Chính phủ trong tháng 5/2025.

Thứ ba, yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương, các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời báo cáo và kiến nghị các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết và Kế hoạch hành động.

Thứ tư, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện nghiêm, kịp thời chế độ khen thưởng, kỷ luật trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Kế hoạch hành động của Chính phủ.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Thứ năm, trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ cụ thể thuộc Kế hoạch hành động của Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Trước khi tham dự Hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".

Bích Lan - Trọng Quỳnh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=94177
Zalo