Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50% diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
Sáng ngày 27/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học phát triển toàn diện cây dừa tỉnh Trà Vinh.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh; Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam; PGS.TS Lê Anh Tuấn (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ); Thái Nguyễn Quỳnh Như, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu; PGS.TS Lê Việt Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cùng đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, thu mua, chế biến dừa trong tỉnh…
Thông tin tại hội thảo, hiện trên địa bàn Trà Vinh có 27.520ha dừa (đứng thứ 2 trong khu vực và cả nước, sau tỉnh Bến Tre), diện tích hơn 7,2 triệu cây dừa, tăng hơn 8.200ha so với năm 2014, tốc độ tăng diện tích giai đoạn 2014 - 2024 đạt 3,6%/năm. Trong đó, diện tích dừa hữu cơ 5.276ha được 08 công ty, hợp tác xã liên kết tiêu thụ chiếm 19,17% diện tích toàn tỉnh tập trung ở các huyện Càng Long (2.063ha), Tiểu Cần (2.311ha), Châu Thành (902ha); cấp được 29 mã số vùng trồng với tổng diện tích 2.803ha, chiếm 10,19% diện tích dừa (19 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 1.411ha; 10 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.392ha) và 02 cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu qua Trung Quốc tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.
Ngành dừa trong tỉnh còn nhiều khó khăn, do đa số các doanh nghiệp ngành dừa trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp, cũng như năng lực về quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường. Chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ trái dừa còn ít; chủ yếu bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre và Trung Quốc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và trình bày những tham luận nhằm góp phần nâng cao giá trị từ cây dừa mang lại; thông qua việc khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, làm nền tảng thúc đẩy phát triển toàn diện ngành hàng dừa tỉnh Trà Vinh trong bối cảnh hội nhập. Như vai trò, vị trí của cây dừa trong phát triển nông nghiệp tỉnh Trà Vinh “tiềm năng lưu trữ carbon của cây dừa, hướng đến phát triển ngành dừa phát thải thấp” của diễn giả, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ).
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) với tham luận “Khả năng phối hợp của PVCFC trong kế hoạch phát triển ngành Dừa tỉnh Trà Vinh"; PVCFC có thể phối hợp với tỉnh Trà Vinh (đầu mối là Sở NN-PTNT) đánh giá và xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho cây Dừa tại địa phương (thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về giải pháp dinh dưỡng, giải pháp canh tác và phát triển các sản phẩm chế biến/chế biến sâu). Trường Đại học Trà Vinh với tham luận “Những thành tựu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn, chọn tạo, nhân giống dừa và dừa sáp tỉnh Trà Vinh”…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện ghi nhận các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu, các viện, trường và các ngành. Đồng thời, chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, đưa vào Đề án phát triển ngành hàng dừa tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định cây dừa là cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về vị trí, vai trò của cây dừa trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Sở NN-PTNT khẩn trương triển khai lập và hoàn chỉnh Đề án phát triển ngành dừa tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 11/10/2024; thường xuyên cập nhật các quy định về xuất, nhập khẩu dừa để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định vùng dừa hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; phối hợp xây dựng, quản lý tốt các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý từ cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.
Trường Đại học Trà Vinh tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn, chọn tạo, nhân giống dừa có chất lượng cao, đặc biệt là giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô… Tập trung xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến công nghiệp các sản phẩm từ cây dừa; tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển ngành hàng dừa trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50% diện tích dừa sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.