Phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Quảng Bình

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu thông xe Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình (Dự án cao tốc Bắc - Nam) vào dịp 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, làm tốt công tác tái định cư cho người dân, đặc biệt không được bán thầu, tham nhũng, tiêu cực.

Giải phóng mặt bằng nhanh là điều kiện tiên quyết để thi công nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình tập trung sớm hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo về công tác này, lãnh đạo tỉnh phải xuống với dân.

Người dân Quảng Bình có truyền thống "xe chưa qua nhà không tiếc", song phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng. Ở nhiều địa phương, không ít cán bộ cơ sở và lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành không kể ngày đêm bám từng làng quê, tuyến đường để động viên, giải thích, làm công tác hỗ trợ đền bù cho người dân. Hiện nay, Quảng Bình đang đưa ra nhiều giải pháp để bàn giao mặt bằng những mét vuông cuối cùng cho dự án.

Quảng Bình phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Quảng Bình phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự án cao tốc Bắc - Nam gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km, đoạn Bùng - Vạn Ninh dài 49,93km, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ hơn 33,5km. Trên địa bàn Quảng Bình có 8 nút giao, tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9ha. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng 659,74ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư.

Khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông đang được cập nhật. Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ thuộc thị xã Ba Đồn và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học... bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân địa phương, đến nay nhiều huyện, thành phố, thị xã ở Quảng Bình có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua đã bàn giao 100% mặt bằng. Đặc biệt, có một số địa phương như huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch… tỉnh Quảng Bình để bàn giao mặt bằng, chính quyền và người dân nơi đây đã phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn. Đơn cử như huyện Bố Trạch, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Bố Trạch, Quảng Bình dài 29,04km. Có 1.079 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất cần chuyển mục đích phục vụ dự án là 245,5ha. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội bị ảnh hưởng, gồm: 25 vị trí đường điện, 4 trạm biến áp, 11 vị trí cáp viễn thông, 1 trạm BTS, 3 trường học… Huyện phải xây dựng 12 khu tái định cư cho khoảng 268 hộ tại 6 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng được huyện tập trung thực hiện quyết liệt. Cùng với huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh đến nay cũng đã bàn giao xong mặt bằng cho các chủ đầu tư để thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.

Sau 2 năm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ yếu là vận động, giải thích, hỗ trợ… đến nay mặt bằng toàn tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình đã được giải quyết. Hiện chỉ có hơn chục hộ dân ở huyện Lệ Thủy chưa bàn giao mặt bằng, do người dân cho rằng đền bù chưa thỏa đáng nên chưa chấp nhận việc đền bù, bàn giao mặt bằng. Được biết, sau nhiều lần họp bàn, gặp gỡ, vận động không thành huyện Lệ Thủy đã có quyết định cưỡng chế bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ toàn dự án.

Theo đó, ngày 17 và 18/9, UBND huyện Lệ Thủy đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân tại xã Phú Thủy, gồm: Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Hồ Đăng Ánh, trú tại thôn Ngô Bắc đang sử dụng thửa đất số 39 (10), tờ bản đồ số 41, diện tích 485,7m2 và thửa đất số 39 (8), tờ bản đồ số 41, diện tích 2.573,2m2; ông Hồ Đăng Quang trú tại thôn Phú Hòa đang sử dụng thửa đất số 39 (4), tờ bản đồ số 41, diện tích 643,1m2 và thửa đất số 39 (7), tờ bản đồ số 41, diện tích 2.232,8m2. Các thửa đất trên đều có địa chỉ tại thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy.

Riêng đối với ông Châu Đình Chính và bà Lê Thị Ty, trú tại thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy đang sử dụng các thửa đất số 303 (3), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 500m2, thửa đất số 303 (4), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 1.023,4m2, thửa đất số 303 (5), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 420,7m2 và thửa đất số 385 (53), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 292,3m2, UBND huyện Lệ Thủy có quyết định dự kiến cưỡng chế vào ngày 18/9, nhưng tối ngày 17/9, được chính quyền địa phương vận động, giải thích, thuyết phục, các hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng.

Để tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các hộ gia đình để bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, UBND huyện Lệ Thủy đã phê duyệt các phương án; đồng thời điều động cán bộ các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện; lực lượng Công an, xã Phú Thủy, đơn vị thi công dự án và phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cưỡng chế theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm đúng thời gian. Ông Nguyễn Xuân Tường - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng Ban cưỡng chế thu hồi đất huyện Lệ Thủy cho biết, qua tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, huyện Lệ Thủy đã bàn giao cho đơn vị thi công được 125m chiều dài. Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, đơn vị thực hiện dự án đã nhanh chóng triển khai phương tiện, nhân lực tổ chức thi công…

Được biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn đi qua địa phận huyện Lệ Thủy có chiều dài 31,952km. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án hơn 265ha. Đến nay, huyện Lệ Thủy đã ban hành các quyết định phê duyệt thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho 991 hộ dân với số tiền 909 tỷ đồng, tương đương 265ha với 31,952km đạt 100%. Mặt bằng đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh gần đạt 100%, hiện, địa phương còn 13 hộ gia đình chưa thực hiện bàn giao mặt bằng với chiều dài là 224m.

Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định; dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ. Vì vậy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án đi qua. Cùng với cả tỉnh, thời gian qua huyện Lệ Thủy đã tập trung toàn lực để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án. Về cơ bản, người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đều rất tích cực, đồng thuận, tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng triển khai.

Hiện, huyện đang cố gắng bàn giao mặt bằng những m còn lại, để dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng tiến độ.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/phan-dau-ban-giao-100-mat-bang-cho-du-an-cao-toc-bac--nam-doan-qua-quang-binh-i744842/
Zalo