Phan Đăng: 'Tôi từng nghĩ rất nhiều về cái chết'
Từ khi còn là một học sinh cấp ba, tác giả Phan Đăng đã bị ám ảnh với những suy nghĩ về cái chết. Chỉ sau khi đọc về Sigmund Freud, ông mới có thể thay đổi.
Ngày 22/9, tại buổi lễ ra mắt hai tác phẩm mới mang tên 39 câu chuyện cho tâm an và Tôi ngỡ tôi là người, nhà báo Phan Đăng đã chia sẻ về những bước ngoặt bản thân đã trải qua suốt nhiều năm. Trên hành trình tìm lại chính mình, ông đã hiểu hơn về những khái niệm lớn như sống - chết, hạnh phúc - đau khổ. Đây cũng là điều thôi thúc ông viết nên hai cuốn sách này.
Những bước ngoặt về nhận thức
Theo chia sẻ từ tác giả Phan Đăng, khi còn là một học sinh cấp ba, ông đã bị ám ảnh với suy nghĩ về cái chết. Ông không thể giải thích được tại sao bản thân luôn suy nghĩ về sự tàn lụi và héo úa của cuộc đời, tạo nên một nỗi sợ hãi đè nặng trong tâm trí.
Khi ông tiếp xúc với lý thuyết của nhà phân tâm học Sigmund Freud, đặc biệt là khái niệm "bản năng chết", tác giả Phan Đăng mới phần nào lý giải được cảm xúc của mình. Nhà khoa học Freud cho rằng, con người có một bản năng hướng tới sự tự hủy diệt, điều mà tác giả Phan Đăng nhận ra cũng hiện hữu trong tâm trí mình.
Tuy nhiên, đến khi Phan Đăng tìm hiểu về Phật giáo và khái niệm "vô thường" - tức mọi sự vật đều trải qua sinh, lão, bệnh, tử, bước ngoặt lớn đã xảy ra trong quá trình phát triển suy nghĩ của ông. Thay vì sợ hãi, Phan Đăng bắt đầu nhìn nhận cái chết một cách bình tĩnh và chấp nhận nó như một phần tự nhiên của cuộc sống.
Sự chuyển đổi từ trạng thái lo âu, hoang mang sang sự tĩnh tại và bình thản đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tác phẩm của ông. Trong những bài thơ mới nhất, ông đã khéo léo thể hiện suy tư sâu sắc về cuộc sống và cái chết, nhưng không còn bị ám ảnh hay chấp nhất vào nó.
Một trong những tư tưởng quan trọng của Phan Đăng là sự buông bỏ những khái niệm mà con người thường chấp vào.
"Tôi từng bị cuốn vào việc thanh minh và giải thích khi bị hiểu lầm, nhưng qua thời gian, thế rồi tôi nhận ra rằng bám víu vào những đánh giá của người khác là vô nghĩa. Giống như khi ta gọi chiếc cốc, đó chỉ là một khái niệm, không thể diễn tả toàn bộ bản chất thực sự của sự vật. Cũng tương tự, con người chỉ là một khái niệm trừu tượng, không phải là bản chất thật sự của chính họ", tác giả Phan Đăng chia sẻ.
Ông đã học cách buông bỏ việc chấp vào những khái niệm bề mặt, nhìn sâu hơn vào bản chất. Từ đó tìm thấy sự nhẹ nhõm và an yên trong tâm hồn.
Chính sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Phan Đăng, từ việc viết về cái chết với sự hoang mang, đến việc chấp nhận và nhìn nó với một tâm thế bình thản, tạo nên những tác phẩm mang tính triết về đời người.
"Ngày xưa tôi đặt tên là Phan Rồ"
Trước đây, khi còn là học sinh, Phan Đăng thường xuyên quậy phá, gây rối trong lớp học mà không hiểu rõ nguyên nhân. Nhìn lại quá khứ, ông nhận ra những hành động thiếu kiểm soát đó xuất phát từ những tổn thương nội tâm. Ông thậm chí từng được gọi đùa với biệt danh "Phan Rồ" trên mạng xã hội.
Nhưng rồi ông nhận ra gốc rễ của những hành động đó là do những thương tổn trong lòng mình.
Tác giả Phan Đăng chia sẻ giống như nhiều người khác, ông cũng mang trong mình những vết thương tinh thần mà đôi khi cuộc sống bận rộn khiến ông không nhận ra. Chỉ khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, Phan Đăng mới nhận ra mình đã không kiểm soát được cảm xúc, để cho những tổn thương đó dẫn dắt hành động.
Tác giả 39 câu chuyện cho tâm an từng tự hỏi tại sao lại có những lúc nổi nóng hoặc cư xử một cách không hợp lý, và dần nhận ra rằng mọi điều đều xuất phát từ những vấn đề bên trong con người mình.
Phan đăng tự gọi những vết thương bên trong mình là một con quái vật. Bằng việc tìm tới thiền định, ông đã chế ngự được con quái vật này.
Tác giả 39 câu chuyện để tâm an coi thiền như một phương pháp trị liệu tâm lý đầy nhân văn và hiện sinh, giúp ông đối thoại với chính mình, hiểu rõ hơn về những vết thương và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của ông. Theo ông, có nhiều phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau, nhưng thiền chính là cách tiếp cận phù hợp nhất với bản thân ông, cho phép ông kiểm soát và nhận diện những cảm xúc tiêu cực ngay khi chúng nảy sinh.
Thông qua những tác phẩm 39 câu chuyện cho tâm an và tập thơ Tôi ngỡ tôi là người, Phan Đăng hy vọng người đọc cũng có thể tự tìm thấy cách chữa lành cho bản thân. Hành trình của ông là minh chứng sống động cho việc con người hoàn toàn có thể vượt qua tổn thương tâm lý, học cách kiểm soát cảm xúc, và tìm lại sự bình yên trong cuộc sống.