Phân cấp, phân quyền triệt để và hiệu quả

Phân cấp, phân quyền là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đang được triển khai quyết liệt, gắn liền với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Những năm gần đây, chủ trương phân cấp, phân quyền được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng và không ngừng được thể chế hóa. Các văn kiện quan trọng như Hiến pháp năm 2013, Luật số 47/2019/QH14 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như các văn bản luật liên quan đều đề cập đến việc phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm... Gần đây nhất, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đều có nội dung quy định về phân cấp, phân quyền.

Vậy phân cấp, phân quyền là gì? Hiểu một cách đơn giản, phân cấp là việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp hành chính để việc quản lý được thuận lợi và hiệu quả. Phân quyền là sự phân giao quyền lực giữa các cơ quan quản lý nhà nước, để mỗi cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn riêng gắn với trách nhiệm cụ thể; những nhiệm vụ, quyền hạn này được quy định rõ trong luật. Việc phân cấp, phân quyền nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao sự tự chủ của chính quyền địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở từng địa phương phát triển, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.

Phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền. Thực tiễn ở nước ta cho thấy, việc phân cấp, phân quyền đã tạo được nhiều nguồn lực cho sự phát triển của các địa phương. Nhiều thủ tục hành chính được bộ, ngành trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và người dân.

Đơn cử như ở Hà Nội, nhiều năm qua, thành phố luôn chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý. Đến nay, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý nhà nước, giúp các cấp, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo hơn trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ thành phố đến cơ sở, phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”...

Phân cấp, phân quyền là vấn đề có tính đột phá chiến lược, nhằm xóa bỏ các điểm nghẽn để từng địa phương và cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh.

Hiện nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) thành 2 cấp (cấp tỉnh, cấp cơ sở). Lúc này, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển, là điều kiện tiên quyết để tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Trên tinh thần này, ngày 22-5 vừa qua, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu: “Phải quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để, mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó là xác định rõ việc gì cần phân cấp, phân quyền. Tức là cần rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.

Khi đã phân cấp thì phải giao quyền và phân bổ nguồn lực hợp lý để cấp dưới có đủ quyền hạn, năng lực thực thi nhiệm vụ. Giao quyền nhưng phải gắn với trách nhiệm đến cùng khi giải quyết công việc theo đúng tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đặc biệt, phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm soát quyền lực, như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, là phải thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm rằng khi cấp trên giao quyền cho cấp dưới, cấp dưới phải thực hiện đúng quyền lực được giao, không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm...

Phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới một cách khoa học, hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phan-cap-phan-quyen-triet-de-va-hieu-qua-703324.html
Zalo