Phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho cấp xã trong lĩnh vực giáo dục

Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo nghị định về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo nghị định về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ đã xác định 69 nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đang giao cho UBND cấp huyện cần điều chỉnh theo hướng phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Bộ đề xuất phân cấp lên sở giáo dục và đào tạo là 36 nội dung (chiếm 52%); đề xuất chuyển 33 nội dung về UBND cấp xã (chiếm 48%).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc đề xuất được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng năng lực quản lý, yêu cầu thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc: phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng, không chia cắt chuyên môn.

Về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giao sở giáo dục và đào tạo toàn quyền quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm: tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, đánh giá, điều động - thống nhất toàn tỉnh. Chuyển toàn bộ thẩm quyền tổ chức lại cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non và các mô hình giáo dục cộng đồng về UBND cấp xã, bao gồm quyền thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đối với dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ thiết kế theo hướng: "phân cấp có điều kiện, có tiêu chí, có hậu kiểm", đảm bảo tính minh bạch, tiêu chuẩn hóa và thống nhất cả nước.

Bộ đề xuất chuyển thẩm quyền phê duyệt các chương trình giáo dục tích hợp nước ngoài và cấp phép tổ chức thi ngoại ngữ quốc tế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở giáo dục và đào tạo. Cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình phân cấp trong giáo dục, làm cơ sở kiểm tra, giám sát thường xuyên tại địa phương.

Tại cuộc họp, các ý kiến bộ, ngành đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Bộ đầu tiên gửi dự thảo Nghị định sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Các ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ thêm các nhiệm vụ, "cái nào được phân quyền, cái nào được phân cấp"; quy định rõ hơn thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, thống kê lại toàn bộ các nhiệm vụ hiện có và nêu rõ, minh định thẩm quyền của mỗi cấp. Đồng thời, cần có lý giải cụ thể về việc phân cấp, phân quyền, tránh cực đoan "giữ lại quá nhiều hay đẩy đi hết". Mỗi nhiệm vụ giữ lại cần có giải thích rõ tại sao.

Cần lưu ý chỉ giữ lại những việc chịu trách nhiệm quản lý thống nhất phạm vi toàn quốc. Cố gắng phân cấp tối đa, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình triển khai phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình triển khai phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu tăng thêm thẩm quyền được phân cấp cho cấp xã. Với các nhiệm vụ trong lĩnh vực này, cấp cơ sở có thể thực hiện được nhiều hơn.

Bộ cần phân cấp triệt để hơn nữa, chỉ giữ lại nhiệm vụ mang tầm quốc gia hay mang tính chuyên môn cao.

Phó Thủ tướng nhất trí một số nội dung về việc chuyển thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc lấy ý kiến địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền; không để sót việc.

Đức Tuân

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phan-cap-phan-quyen-nhieu-hon-cho-cap-xa-trong-linh-vuc-giao-duc-102250523174541957.htm
Zalo