Phân cấp, phân quyền để tháo gỡ vướng mắc gần 3.000 dự án tồn đọng

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 2.981 dự án tồn đọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu, phân loại, đánh giá. Từ đó, đề ra hướng xử lý phù hợp.

Chiều 17-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai theo Kết luận 77 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 170 của Quốc hội và triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng trên phạm vi cả nước.

Cần phân cấp, phân quyền và giao việc rõ

Hội nghị đánh giá, trước đây do nhiều lý do khách quan và chủ quan, trên cả nước có nhiều dự án bị đình trệ, vướng mắc. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Trong đó, Bộ Chính trị có Kết luận số 77 về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; Quốc hội có Nghị quyết 170, Chính phủ có các Nghị định 76 và Nghị định 91 để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị.

Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.

 Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Các đại biểu cho rằng, các kết luận, nghị quyết, nghị định là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Đồng thời là cơ sở để các tỉnh, thành phố rà soát các dự án, áp dụng triển khai các biện pháp xử lý, giải quyết.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị, nhiều vướng mắc đã được xử lý, tuy nhiên, đến nay cả nước có 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, lãng phí giá trị.

Trong đó, có những dự án được xác định có sai phạm, hoặc có dấu hiệu sai phạm và nhiều dự án vướng mắc về quy trình, thủ tục. Các dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cả Trung ương, nhưng chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, trong đó một phần do quy định pháp luật, một số địa phương nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng và việc các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, nguồn lực.

Do đó, các đại biểu đề xuất cần phân cấp, phân quyền và giao việc rõ để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc. Ngoài ra, khi xử lý các vướng mắc và sai phạm cần đảm bảo quyền lợi chính đáng, ngay tình của các bên.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các kết luận, nghị quyết, nghị định của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Long An, các đại biểu đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang tồn đọng, vướng mắc trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục cập nhập, phân loại nhóm dự án để xử lý vướng mắc, sai phạm

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, dự thảo Thông báo Kết luận Hội nghị để thống nhất triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai là việc khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ song phải quyết tâm thực hiện

Về các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, khách quan, kiên định, kiên trì của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp.

Trong quá trình làm, phải số hóa cơ sở dữ liệu; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không đùn đẩy việc; phải xử lý việc theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

 Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu, phân loại, đánh giá. Ảnh: VGP

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu, phân loại, đánh giá. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, trong tổng số 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài hiện nay có 3 loại. Nhóm thứ nhất là những dự án rõ sai phạm; nhóm thứ 2 là những dự án vướng mắc về thủ tục; nhóm thứ 3 là những dự án có dấu hiệu vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu trên Cổng thông tin của Ban Chỉ đạo; rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá các dự án.

Từ đó, đề ra hướng xử lý phù hợp, trên nguyên tắc xử lý các các vấn đề thuộc thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đề xuất phương án xử lý đảm bảo tính chiến đấu cao, công minh, ngay thẳng, đúng bản chất vấn đề.

Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai, chống lãng phí, thúc đẩy sự phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025.

Nhắc lại việc phải chủ động xử lý các vấn đề hiệu quả, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 751 tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét. Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục thực hiện vai trò giám sát.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 751, Đảng ủy Chính phủ để hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/phan-cap-phan-quyen-de-thao-go-vuong-mac-gan-3000-du-an-ton-dong-post860962.html
Zalo