Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng
Ngày 30/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng tham gia hoạt động xây dựng, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, Nghị định tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đặc biệt, Nghị định quy định phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, về quản lý năng lực hoạt động xây dựng, đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hạng I cho địa phương thực hiện, loại bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số lĩnh vực không còn cần thiết.
Về thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, Nghị định đã phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với dự án có công trình cấp đặc biệt, công trình phức tạp, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Nghị định cũng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không còn thực sự cần thiết, như giảm loại dự án, công trình phải thẩm định tại cơ quan quản lý Nhà nước thông qua mở rộng đối tượng dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (từ tổng mức đầu tư 15 tỷ lên 20 tỷ đồng, bổ sung các dự án bảo trì, duy tu, bảo dưỡng thuộc nhóm C); giảm tối đa các trường hợp điều chỉnh thiết kế bước sau không phải thực hiện điều chỉnh dự án…
Ngài ra, Nghị định đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, rà soát để loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và gộp một số lĩnh vực chứng chỉ hành nghề không yêu cầu chuyên môn chuyên biệt (quản lý dự án, giám sát xây dựng…), kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 5 năm lên 10 năm; đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đồng bộ hệ thống pháp luật.