Phản cảm ở ngôi đền có 2 loại hòm công đức

Cụm di tích Đền Dâu-Quán Cháo tồn tại 2 loại hòm công đức: của chính quyền (hòm công đức) và của dân (két dầu nhang). Người dân nói két dầu nhang theo 'hương ước'; chính quyền nói hòm công đức theo Thông tư 04.

Hai ngôi đền linh thiêng

Nhắc đến sự tích Đền Dâu Quán Cháo nằm ở TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình là nhắc đến sự tích về các tiên nữ giáng trần để dâng cháo cho quân Tây Sơn trước giờ xung trận. Theo truyền thuyết của người dân trong vùng, hai tiên nữ này chính là Quế Nương và Thị Nương, được Ngọc Hoàng cử xuống dân gian để ban phúc cho dân lành. Nhờ những bát cháo quý giá của hai tiên nữ, quân Tây Sơn đã có thêm sức mạnh để chiến đấu với kẻ thù, từ đó làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử. Chính vì vậy, cứ đến dịp đầu năm, hai ngôi đền này đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách thập phương và tiếp nhận nhiều tỷ đồng tiền công đức.

"Hương ước" của làng Lý Nhân

Có mặt tại Đền Dâu và Đền Quán Cháo vào dịp đầu xuân, phóng viên hết sức bất ngờ khi cả phóng viên và du khách đều phải lựa chọn thả tiền vào "hòm công đức" có ghi UBND TP Tam Điệp, hay hòm có ghi "tiền nhang đèn", "két dầu nhang". Theo các cụ cao niên, ngôi đền này được người dân thôn Lý Nhân, phường Yên Bình, TP Tam Điệp trông coi và xây dựng từ 4 thế kỷ trước. Do nhiều lần sáp nhập địa giới nên hiện nay cả hai ngôi đền đều không thuộc chỉ giới hành chính của làng Lý Nhân.

Tuy nhiên, theo các cụ cao niên, bất cứ ai sinh ra ở làng Lý Nhân, nếu đủ 55 tuổi, sẽ được đăng ký tham gia đi trực đền. Gần 140 thành viên sẽ chia thành nhiều ca trực, mỗi ca kéo dài 3 ngày. Những thành viên trực đền phải thực hiện nghiêm túc việc đón tiếp du khách, gom tiền công đức của du khách về két chung. Hết ca, những người trực có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền công đức về đình làng Lý Nhân. Việc kiểm đếm tiền công đức được thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, số tiền công đức được bao nhiêu chỉ người dân làng Lý Nhân mới được biết.

Bên hòm công đức của ban quản lý, bên két dầu nhang của tổ trực đền

Bên hòm công đức của ban quản lý, bên két dầu nhang của tổ trực đền

Với những người dân sinh ra và lớn lên ở làng Lý Nhân, việc được đi trực đền không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào. Bởi vậy, không ít người dù có cửa cao, nhà rộng, dù có chức có quyền, hễ về hưu là tham gia trực đền. Một cụ cao niên cho biết: "Toàn bộ số tiền công đức có được sẽ được làng Lý Nhân họp bàn. Phần dành cho tu bổ di tích, phần chia cho đội trực đền. Vì thế, nếu đông khách đến, có thể mỗi cụ cũng được vài triệu một tháng. Điều này đã thực hiện được rất nhiều năm."

Hai loại hòm công đức trong một đền

Căn cứ Thông tư 04 ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính, UBND thành phố Tam Điệp đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý đối với hai ngôi đền trên, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Quản lý và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để bám sát quy định. Tuy nhiên, việc lập ban quản lý di tích mới cho đến việc mang hòm công đức của ban quản lý vào đều vấp phải những tranh cãi. Hầu hết những người dân ở làng Lý Nhân đều không ủng hộ ban quản lý di tích mới. Các cụ nhiều lần mang chiếu, mắc võng ngủ trong đền để phản đối.

Hòm công đức và két dầu nhang

Hòm công đức và két dầu nhang

Một du khách đi lễ Đền Dâu bày tỏ bất ngờ với hai loại hòm công đức: "Tôi thực sự không hiểu tại sao các hòm công đức lại được đặt song song, các phiếu ghi công đức lại có nội dung khác nhau. Tôi không biết số tiền tôi công đức vào đây có được sử dụng đúng mục đích là sửa chữa, trùng tu cho ngôi đền này không."

Nhiều du khách đi lễ ở Đền Dâu tỏ ra khó hiểu với hai nơi ghi công đức

Nhiều du khách đi lễ ở Đền Dâu tỏ ra khó hiểu với hai nơi ghi công đức

Các cụ cao niên bức xúc trao đổi với phóng viên: "Chúng tôi nghiêm túc thực hiện theo Thông tư 04, nhưng cả làng chúng tôi suốt 4 thế kỷ đã tạo lập lên mọi thứ đã trở thành một hương ước rất đẹp cho thế hệ con em làng Lý Nhân. Bây giờ nói bỏ, chúng tôi không thể bỏ được."

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp cho biết, sau rất nhiều lần vận động, đội trực đền mới đồng ý báo cáo "bí mật" tiền công đức về UBND phường. Theo số liệu báo cáo của tổ trực đền tại hai ngôi đền trên, từ tháng 6/2021 - tháng 3/2023, số tiền công đức, dầu nhang thu được là hơn 18,3 tỷ đồng và đã chi hết hơn 16 tỷ đồng.

Đứng trước hai hòm công đức, nhiều du khách tỏ ra khó xử, không biết chọn bên nào

Đứng trước hai hòm công đức, nhiều du khách tỏ ra khó xử, không biết chọn bên nào

Một đại diện các cụ trực đền cho biết: "Hiện đền có 2 hòm công đức nhìn rất phản cảm, kể từ ngày có hòm công đức của ban quản lý do chính quyền lập ra, nguồn thu vào hòm nhang đèn bị sụt giảm rất nhiều".

Ông Vũ Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, rất trăn trở: "Chính quyền và nhân dân huyện Tam Điệp đã nhiều lần đến đền thuyết phục các cụ cởi bỏ hương ước, cho ban quản lý tiếp cận hai ngôi đền và quản lý tiền công đức. Phải rất khó khăn, ban quản lý mới có thể đặt được hòm công đức. Thế nhưng, bên cạnh bàn thu công đức theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính, toàn bộ số tiền du khách đặt ở các ban và tiền ở các két dầu nhang, tiền nhang đèn các cụ vẫn thu. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục các cụ."

Nguyễn Tùng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phan-cam-o-ngoi-den-co-2-loai-hom-cong-duc-post1155072.vov
Zalo