Phân bón Cà Mau tiếp sức cho nông dân đưa trái cây An Giang vươn tầm quốc tế
Ngày 24/09/2024, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Hội nghị 'Liên kết & xúc tiến tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang' đã chính thức diễn ra, mở ra những cơ hội mới cho nông dân và doanh nghiệp nông sản trong khu vực.
Sự kiện do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân Bón Cà Mau) tổ chức, quy tụ nhiều đại biểu, doanh nghiệp tham gia.
Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng sản phẩm cây ăn trái của tỉnh, đồng thời tăng cường sự kết nối trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương.
Kết nối chuỗi giá trị - đòn bẩy cho phát triển
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và đất đai màu mỡ, An Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn, với gần 20.000ha, tổng sản lượng cây ăn trái cả năm ước đạt hơn 350.000 tấn. Các loại trái cây chủ lực bao gồm xoài, chuối, nhãn, quả có múi (cam, quýt, chanh, bưởi), sầu riêng và mít. Tuy nhiên, An Giang cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất quy mô lớn.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu các vùng chuyên canh đủ lớn để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cùng với việc một số vùng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật do chưa có kỹ thuật, giải pháp canh tác hiệu quả, đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và khó đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế.
Nhằm khắc phục những khó khăn này, hội nghị “Liên Kết & Xúc Tiến Tiêu Thụ Cây Ăn Trái Tỉnh An Giang 2024” đã tập trung vào việc hỗ trợ các giải pháp canh tác cây ăn trái chất lượng, năng suất cao, tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy sự liên kết giữa giữa các thành phần chủ chốt trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Giám đốc sản phẩm mới của Phân Bón Cà Mau – ông Lâm Văn Thông đã giới thiệu, chia sẻ về hiệu quả các mô hình trình diễn trên nhiều loại cây ăn trái; kết quả cho thấy khi sử dụng các giải pháp canh tác của Phân Bón Cà Mau, trung bình năng suất cây mít ruột đỏ tăng 14.3%, xoài tăng 12.2%,.. so với canh tác truyền thống.
Đồng thời, đại diện Phân Bón Cà Mau cũng khẳng định cam kết hỗ trợ tham gia xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng hiệu quả hơn của công ty, giúp bà con nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Thương hiệu phân bón gắn bó cùng nông dân An Giang
Phân Bón Cà Mau từ lâu đã khẳng định vai trò người bạn đồng hành đáng tin cậy của nông dân. Với hệ thống phân phối rộng khắp, đặc biệt tại ĐBSCL, Phân Bón Cà Mau cung cấp mỗi năm khoảng 500.000 tấn urê, 60.000 - 100.000 tấn NPK, cùng các sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp nhập khẩu từ châu Âu như từ Bỉ, Hà Lan, rất phù hợp với các loại cây ăn trái.
Sản phẩm NPK Cà Mau được sản xuất theo công nghệ Polyphosphate từ Tây Ban Nha, các sản phẩm urê chức năng như N46.Plus, urê sinh học bổ sung vi sinh Bacillus và N. Humate TE với acid humic không chỉ giúp tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Phân Bón Cà Mau còn có nhiều chương trình tư vấn kỹ thuật, cung cấp, hướng dẫn các giải pháp dinh dưỡng cho đa dạng cây trồng trên các kênh thông tin trực tuyến như website (pvcfc.com.vn), trang Facebook (Phân Bón Cà Mau) và trực tiếp tại các hội thảo dành cho nông dân.
Nông dân Lê Hữu Thống, tỉnh An Giang cho biết gia đình có 5ha đất trồng lúa và đã chuyển đổi sang nhãn cách đây 5 năm. Tuy nhiên, từ khi trồng lúa đến khi trồng nhãn ông đều lựa chọn các loại phân bón của thương hiệu Phân Bón Cà Mau vì tin tưởng uy tín của công ty lớn. Nhờ sự chăm bón cẩn thận và sử dụng phân bón phù hợp, vườn nhãn của ông luôn đạt sản lượng cao với mức giá nhãn 70.000 - 80.000 đồng/kg giúp ông Thống thu về khoảng 700 triệu đồng mỗi vụ.
Không chỉ làm tốt vai trò “người nuôi dưỡng” nông nghiệp Việt với các dòng sản phẩm chất lượng vượt trội, công ty còn nổi bật bởi sự tận tâm và trách nhiệm với cộng đồng. Là đối tác phối hợp tổ chức hội nghị lần này, Phân Bón Cà Mau tiếp tục cho thấy vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống của người nông dân.