Phản bác luận điệu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Kỳ 1: Nhu cầu bức thiết, đòi hỏi khách quan

Tại sao việc tinh gọn tổ chức bộ máy lại trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và vì sao người dân ngày càng tin tưởng, kỳ vọng vào quá trình đổi mới này? Những câu hỏi đó đang dần có lời đáp bằng những quyết tâm, quyết sách hòa quyện 'ý Đảng, lòng dân', nhằm giải quyết những bức thiết đặt ra từ thực tiễn.

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV là tìm cách xử lý những “điểm nghẽn” về thể chế để bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. (Ảnh: quochoi.vn)

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV là tìm cách xử lý những “điểm nghẽn” về thể chế để bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. (Ảnh: quochoi.vn)

LTS: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tập trung nguồn lực, mở rộng không gian phát triển, giúp bộ máy “tinh - gọn - mạnh”. Quá trình triển khai, bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng gặp không ít vướng mắc. Lợi dụng những hạn chế này, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình hiểu sai lệch vấn đề, đồng thời xuyên tạc “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước ta.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Có thể khẳng định, không phải bây giờ Đảng và Nhà nước ta mới triển khai việc cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mà sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) đến nay, chúng ta đã nhiều lần thực hiện sắp xếp, sáp nhập bộ máy nhà nước từ quy mô hẹp trong một vài tỉnh đến phạm vi toàn quốc. Điều đó cho thấy Đảng đã nhận ra những tồn tại, bất cập cần phải giải quyết, nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra; do đó việc tinh gọn tổ chức bộ máy tiếp tục được thực hiện nhằm đáp ứng tốt hơn công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Gần đây, có thể kể đến việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng một số xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào TP Hà Nội. Đến nay, sau 17 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, giữ vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.

Tiếp đó, tháng 10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW). Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết hướng tới là từ năm 2021 đến năm 2030, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị... Thực hiện chủ trương của Đảng, các Bộ, ban, ngành, các địa phương trong cả nước đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” tại Phiên họp thứ 15 của UBTVQH (tháng 9/2022) cho biết: cả nước đã giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Đến thời điểm Đoàn công tác đến khảo sát tại một số địa phương (tháng 3/2022), cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu làm việc.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí... “Kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra, mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định.

Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật

Sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chúng ta đã đạt được một số kết quả cơ bản, như đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, đó là: “Bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị”. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; một số Bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... “Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ... Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Theo người đứng đầu Đảng ta, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Điển hình là bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo “điểm nghẽn”, làm lỡ cơ hội phát triển...

“Nhìn vào thực chất cũng rất lo”, “Nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh”... là những đánh giá mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc đến tại các cuộc họp, hội nghị bàn về vấn đề khơi thông nguồn lực để đất nước phát triển. Ông cho rằng, chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, vươn mình lên, chứ không thể “cò dò”, chậm trễ mà để lỡ thời cơ... Cũng bởi vậy, một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV là tìm cách xử lý những “điểm nghẽn” về thể chế, để bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Tham gia thảo luận về nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tinh gọn bộ máy là vấn đề quá lớn, tồn đọng nhiều năm; cho nên bây giờ là thời cơ vàng để làm.

Vừa sắp xếp, vừa kiến tạo

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng. Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước.

Khác với những lần sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC trước đây, lần này chúng ta làm với quy mô lớn hơn, quyết liệt hơn, cách mạng hơn và đã đến lúc phải làm một cách quyết liệt như vậy. Theo đó, lần sáp nhập này được tiến hành đồng thời cả cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp trung gian, tức là giảm cấp chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp. Chúng ta không chỉ căn cứ vào các tiêu chí như quy mô dân số, diện tích tự nhiên, phong tục tập quán..., mà còn chú trọng đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, đến quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia... nhằm sớm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng.

Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, cả hệ thống chính trị đang khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ từng phút, từng giờ để hoàn thành tiến độ đề ra. Tuy nhiên, lợi dụng một số khó khăn bước đầu của công cuộc tinh gọn bộ máy, các thế lực thù địch, phản động đã và đang ra sức xuyên tạc với âm mưu thâm độc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây nghi ngờ, bức xúc trong Nhân dân, làm mất ổn định xã hội. Các luận điệu chống phá được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ các bài viết trên các trang của một số tổ chức phản động có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, đến những video clip, những bình luận, bài viết trên mạng xã hội... Các đối tượng này cho rằng chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy chính trị của Đảng ta là “loại bỏ phe cánh”; việc tinh giản biên chế là “sa thải hàng loạt”, “bỏ rơi cán bộ, công chức đã có nhiều năm cống hiến cho Đảng và Nhà nước”; ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Thậm chí, các đối tượng phản động còn rêu rao với giọng điệu thù hằn rằng, chủ trương của Đảng ta là “không khả thi”, “sớm muộn sẽ rơi vào mất kiểm soát” và sẽ “thất bại” (?!)...

Rõ ràng đây là những luận điệu vu cáo, bóp méo sự thật nhằm gây nhiễu loạn thông tin..., đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh và chứng minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, vừa đập tan mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, vừa củng cố niềm tin trong Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công việc hệ trọng của Đảng và Nhà nước.

(Còn tiếp)

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-tinh-gon-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-ky-1-nhu-cau-buc-thiet-doi-hoi-khach-quan-post545311.html
Zalo