Phản bác luận điệu xuyên tạc thực hiện 'về việc riêng' trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

55 năm về trước, ngày 2-9-1969, trước khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc bất hủ. Đọc lại toàn bộ những nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc, chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên một ai, không quên bất cứ điều gì. Có lẽ vì vậy mà Di chúc của Người là những chỉ dẫn đặc biệt quý báu để dân tộc Việt Nam tiến bước trên con đường phồn vinh, hạnh phúc cùng chung dòng chảy của văn minh nhân loại.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, khi toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nhất những lời căn dặn tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đâu đó cũng có những tiếng nói lạc lõng cất lên. Điều mà các luận điệu xuyên tạc chĩa mũi dùi vào là việc họ cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không thực hiện Di chúc của Người trong việc hỏa táng.

Trong sách Hồ Chí Minh toàn tập công bố hiện nay, toàn văn các bản Di chúc của Bác Hồ, trong đó có nội dung căn dặn “về việc riêng” đã được công bố đầy đủ.

Theo đó, trong bản viết năm 1965, Bác dặn dò về việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro, xương cho miền Nam: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ tiền bạc của Nhân dân”. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách hỏa táng dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”.

Năm 1968, Bác viết lại đoạn này và dặn để tro vào 3 hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp: “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều 3-9-1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969, trong đó có nội dung “về việc riêng”.

Về nội dung này, bản Di chúc đã công bố lấy nguyên văn đoạn Bác viết về bản thân năm 1968, trừ đoạn nói về hỏa táng. Di chúc năm 1969 công bố: “VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”.

Như vậy, bản Di chúc công bố ngày 9-9-1969 trong Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản đã được tổng hợp, chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu và thời cuộc khi ấy.

Về vấn đề này, Thông báo số 151-TB/TW đã giải thích và khẳng định: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Riêng nội dung “về việc riêng”, thông báo nêu rõ: “Đoạn “về việc riêng”, bổ sung thêm phần Bác viết năm 1968 vào bản Bác viết năm 1965 là rất cần thiết, để phản ánh được cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân vì nước của Bác. Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”.

Trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, lời dặn của những người trước khi mất là thiêng liêng, vì vậy mà những người ở lại bao giờ cũng cố gắng cao nhất có thể để thực hiện trọn vẹn di huấn của người ra đi. Thế nhưng, trong lịch sử Việt Nam cũng đã có những câu chuyện mà người sau không hoàn toàn tuân theo ý nguyện của người mất, song trở thành câu chuyện tiêu biểu về đạo hiếu.

Một Chử Đồng Tử không nghe lời căn dặn trước khi mất của cha nhưng lại trở thành câu chuyện tiêu biểu cho đại hiếu. Vậy nên, Chử Đồng Tử được suy tôn là một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Trần Quốc Tuấn không nghe lời cha dặn trước khi mất là phải cướp ngôi vua từ tay dòng thứ để rồi nhân dân đã suy tôn ngài là Đức Thánh Trần, thành cha của dân tộc trong tín ngưỡng dân gian.

Việc sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, các nhà lãnh đạo Việt Nam đương thời đã thực hiện khác đi một chút Di chúc của Người về việc hỏa táng cũng là điều bình thường, điều này để thể hiện lòng kính trọng của người sống dành cho người đã khuất.

Viết Phước

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-thuc-hien-ve-viec-rieng-trong-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a9d018c/
Zalo