Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi

Hơn 30 năm sau 'Chú bé Thất Sơn', nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng 'Xóm thiên đường' và 'Trang trại cuối rừng'.

Có lẽ sau nhiều năm gắn bó với dòng sách tản văn và tư liệu về Sài Gòn xưa mà trong hai cuốn sách này, nhà văn Phạm Công Luận tiếp tục chọn kể bằng những điều rất đỗi đời thường: một xóm nhỏ giữa lòng phố thị, một trang trại nơi vùng bán sơn địa dù tuổi thơ ở đâu vẫn hiện lên lấp lánh qua từng chi tiết giản dị và chân thực.

 Sách Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Sách Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Xóm thiên đường là lát cắt tinh tế về một xóm nhỏ len lỏi giữa đô thị Sài Gòn. Ở nơi ấy, mọi thành phần xã hội cùng sinh sống: có gia đình cố cựu ba đời sống trong căn nhà cũ kỹ, có những người từ tỉnh xa lên thành phố tìm kế sinh nhai, có lũ trẻ con lấm lem nhưng hồn nhiên và đầy sức sống. Mỗi căn nhà, mỗi nhân vật đều mang một mảnh đời riêng, tạo nên một cộng đồng chan hòa và gắn bó.

Cái “thiên đường” mà Phạm Công Luận nói đến không nằm trong cổ tích mà nằm ở những điều nhỏ xíu nhưng đầy ấm áp hiện lên trong đôi mắt một cậu bé: giàn bông giấy hồng, cây bò cạp vàng và cách người trong xóm sẻ chia bữa cơm, cách người lớn chấp nhận nhau dẫu khác biệt và cách những đứa trẻ lớn lên mà vẫn giữ được sự hồn nhiên. Tất cả đều trở thành những chất liệu góp phần tái hiện không khí của một xóm nhỏ Sài Gòn rất đặc trưng.

Trái lại, Trang trại cuối rừng đưa người đọc đến một miền đất khác: rộng lớn hơn, vắng lặng hơn nhưng không kém phần sống động. Ở đó, hai cậu bé thành thị lần đầu chạm vào thiên nhiên: từ cánh rừng nguyên sinh đến tiếng dế kêu ban đêm, từ vườn cây đến những người bạn mới không giống ai trong sách vở. Mỗi ngày trôi qua là một cuộc phiêu lưu nho nhỏ và đằng sau những hoạt động tưởng chừng đơn giản ấy là những bài học sâu sắc: biết chia sẻ, biết lắng nghe, biết trân trọng sức lao động và thiên nhiên.

Ở hai cuốn sách này, ông viết bằng sự từng trải của một người đã sống, đã chứng kiến, đã thương yêu rất nhiều con người trong đời thực. Cái tài của Phạm Công Luận không nằm ở việc dựng nên một cốt truyện kịch tính mà ở chỗ ông không cần cốt truyện. Xóm thiên đườngTrang trại cuối rừng không hề có những cú ngoặt kịch tính, không có hồi hộp giật gân mà chỉ có những lát cắt kí ức của một người lớn từng trải, những bài học được kể bằng trải nghiệm hơn là lời răn dạy.

Mất mát, mưu sinh, chia ly đều hiện diện tất cả trong sách nhưng không khiến người đọc nặng lòng. Chúng được kể bằng giọng văn điềm tĩnh, như thể người viết đã ôm ấp, đã chấp nhận và đã vượt qua. Có lẽ, chính điều đó khiến hai cuốn sách trở thành truyện thiếu nhi theo một cách rất riêng: thiếu nhi không chỉ cần những giấc mơ mà cần cả sự bao dung để đối diện với thực tại.

Không phải tuổi thơ nào lớn lên giữa đồng quê hay giữa phố thị rực rỡ ánh đèn mới là đặc biệt. Tuổi thơ chỉ thật sự trọn vẹn khi được nuôi dưỡng trong tình yêu với con người, với điều thiện, với thế giới xung quanh.

Hoàng Yến

Nguồn Znews: https://znews.vn/pham-cong-luan-tro-lai-voi-van-hoc-thieu-nhi-post1555411.html
Zalo