Phẩm chất đạo đức của người cách mạng chân chính

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một hệ tư tưởng Hồ Chí Minh biện chứng, sáng tạo, mà còn để lại một di sản vô cùng giá trị. Đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng chân chính, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc Việt Nam và loài người tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời mình cho dân, cho nước. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời mình cho dân, cho nước. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc

Ngay từ thời đi học, Nguyễn Tất Thành đã tỏ rõ lòng yêu nước, thương dân trong cảnh lầm than, nô lệ và đến năm 21 tuổi đã có lựa chọn rõ ràng với mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người thanh niên yêu nước ấy đã dấn thân vào dặm trường gian nan nguy hiểm, trực tiếp đối mặt với chính quyền thực dân, vượt qua mọi gian khó, thách thức để hoàn thành lý tưởng cao cả bằng tinh thần, ý chí, nghị lực kiên cường.

Ròng rã 30 năm sống, làm việc, hoạt động ở gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (1911-1941), bị đày đọa trong nhà tù đế quốc Anh (1931-1933) và của phản động Quốc dân Đảng ở nước ngoài (1942-1943), từng bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt trong nước và suốt 5 năm bị các đồng chí ở Quốc tế Cộng sản hiểu lầm, nghi ngờ (1934-1938), rồi hơn 10 năm vượt núi, băng rừng, lội suối, ở hang để chỉ đạo cách mạng và trường kỳ kháng chiến (1941-1945 và 1946-1954), Người vẫn kiên định tinh thần cách mạng, tin tưởng vào chính nghĩa để vượt qua tất cả.

Tấm gương quyết tâm chiến đấu vì Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam và thế giới kính phục: “Hiếm có nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, kiên nghị, quên mình và dũng cảm một cách phi thường như vậy”. “Tên tuổi đồng chí Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì một nước Việt Nam tự do và thống nhất. Người đã nguyện hy sinh tất cả để thực hiện cho kỳ được mục đích cao cả đó. Người đã quên mình đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân và chính đó cũng là điều đã mang lại hạnh phúc to lớn đối với bản thân Người”...

Tận tụy phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Là người sáng lập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận tụy cống hiến quên mình để dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. “Người luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ không khoảng cách với quần chúng, bởi Người xác định: Chính phủ là công bộc của dân. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân”.

Trên thế giới này, chưa có lãnh tụ nào thân dân, gần dân, hiểu dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng những việc làm cùng người dân bình thường: cày ruộng, cuốc đất, trồng cây, kéo lưới; chia sẻ từng nắm gạo, tấm áo, viên thuốc, giọt mật; chăm lo từ giấc ngủ mùa đông đến nước uống mùa hè cho chiến sĩ, từ các cháu học sinh đến các cụ phụ lão…, “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà đạo đức học, vừa là nhà giáo dục đạo đức và cũng là một nhà thực hành đạo đức mẫu mực. Những phẩm chất tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện bằng những hành động thực tế trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Vì hiểu rõ và tin tưởng vào sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân, nên Người khẳng định: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, liên hệ mật thiết với nhân dân, hiểu dân và luôn tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc. Trong bản Di chúc, Người đã viết những dòng tâm huyết gửi lại đồng bào, đồng chí: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận”.

Tiên phong thực hành những tiêu chuẩn đạo đức do chính mình đặt ra

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phong cách sống vô cùng giản dị, khiêm tốn, thanh cao; nhân ái, vị tha, khoan dung với con người và yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, bảo vệ, gây dựng môi trường sống cho tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong việc tiên phong thực hành những tiêu chuẩn đạo đức do chính Người đặt ra. Đó không phải là đạo đức bình thường, mà đó là đạo đức cách mạng. Những phạm trù, khái niệm, nội dung của đạo đức mới là dựa trên nền tảng giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời tiếp thu, phát triển tinh hoa đạo đức nhân loại, đặc biệt là tư tưởng biện chứng Mác - Lênin. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng... Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hướng tới mục đích duy nhất, ham muốn tột bậc là phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng con người bị áp bức trên toàn thế giới. Vì vậy, cuộc sống đời thường của Người trở thành huyền thoại với bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, cái quạt lá cọ và ngôi nhà sàn rợp bóng cây bên ao cá, ngập tràn ánh nắng. Đó là con người bình thường mà vĩ đại, là biểu tượng của đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sự giản dị thanh cao, điều độ, ngăn nắp, khoa học, yêu lao động và hòa cùng đời sống nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu quý và gắn bó với thiên nhiên. Người hiểu biết, thân thiện, gây dựng, bảo vệ môi trường tự nhiên. Từ những đầm sen, khóm huệ, hàng dâm bụt bên giếng làng, trên núi quê hương thời niên thiếu, cho đến rừng cây, tiếng suối, ánh trăng, hang đá, lán tranh, vạt đất trồng cải, giàn bí, bãi ngô trên những chặng đường hoạt động cách mạng và trường kỳ kháng chiến đã đọng lại trong tâm hồn Người một tình cảm sâu đậm đối với quê hương, đất nước. Bởi vậy, Người luôn chú ý, lưu tâm tìm phương thức hòa hợp, thúc đẩy để thiên nhiên và con người giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

Từ hiểu biết văn hóa và vốn sống phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn việc trồng cây với trồng người, sự nghiệp 10 năm kết hợp với tương lai 100 năm. Đó là tư tưởng chiến lược lớn, tầm nhìn xa trông rộng không những đối với đất nước Việt Nam, mà còn hữu ích với cả loài người. Nguyện vọng cá nhân của Người vô cùng bình dị: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ… Bao giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”.

Học tập suốt đời, tự tu dưỡng, rèn luyện

Không chỉ học tập suốt đời, tự tu dưỡng, rèn luyện, Người còn luôn quan tâm, động viên, hướng dẫn, giáo dục mọi người làm việc tốt, ý nghĩa, việc có ích cho đất nước, cộng đồng và từng cá nhân.

Khi bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ có vốn kiến thức đã học trong nhà trường và hai bàn tay lao động. Trong 30 năm (1911-1941), Người đã làm hơn 20 công việc, nghề nghiệp khác nhau để kiếm sống và hoạt động cách mạng, từ những việc vất vả, nặng nhọc như phụ bếp, bồi bàn, làm vườn, cào tuyết, đốt lò, cho đến làm bánh ngọt, in tráng ảnh, bán báo, diêm, thuốc lá… và trở thành một lãnh tụ cộng sản. Người đã kiên trì tự học ngoại ngữ, học cách viết báo để làm phóng viên, phiên dịch, dịch sách, hoạt động chính trị. Người có thể viết thư, viết báo, trả lời phỏng vấn thành thạo bằng tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga và giao tiếp bằng các tiếng Thái Lan, Italia, Đức… Người còn tận dụng thời gian bị giam giữ ở Trung Quốc để sáng tác tập Ngục trung nhật ký bằng chữ Hán gồm 134 bài theo thể thơ Đường.

Không chỉ là người ham học, ham đọc, ham hiểu biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi, động viên đồng bào diệt giặc dốt, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đối với nhiều vấn đề xã hội khác, Người cũng kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau của nhân dân và bản thân Người luôn xung phong thực hiện đầu tiên, như 10 ngày nhịn ăn một bữa, đem gạo đó cứu dân nghèo; thành lập nghĩa thương nông dân; góp áo rét cho “Mùa đông binh sĩ”; nhận con các liệt sỹ làm con nuôi; toàn dân tập thể dục; thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”. Vì vậy, từ năm 1954 đến năm 1969, Người đã quan tâm, động viên kịp thời và thưởng gần 4.000 huy hiệu cho những tấm gương người tốt - việc tốt, đồng thời Người chủ trương in thành những tập sách nhỏ gọn để mọi người dễ đọc, học tập, làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rõ: “Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho đầy rác”.

Những lời nói và việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ cuộc đời của Người “đã cổ vũ những nam, nữ bình thường, những người công nhân, nông dân, thanh niên và sinh viên khắc phục những khó khăn dường như không vượt qua nổi để tiến tới thắng lợi”.

Đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn hóa xuất sắc, mà còn là một nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử. Kết hợp truyền thống hòa hiếu của dân tộc cùng với kiến thức uyên bác về ứng xử Đông - Tây, Người đã sáng lập nền ngoại giao Việt Nam và tư tưởng ngoại giao của Người đã góp phần to lớn vào đường lối, hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta trước kia cũng như hiện nay.

Ngoại giao Hồ Chí Minh là tình đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đó là tinh thần quốc tế vô sản gắn với chủ nghĩa yêu nước chân chính, cùng nhắm tới mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước. Hồ Chí Minh từng thâm nhập thực tế cuộc sống ở 4 châu lục Âu, Mỹ, Á, Phi, nên Người thấu hiểu và dành tình cảm thân ái, thắm thiết với các dân tộc trên thế giới, Người quan tâm tới bạn bè quốc tế, ân cần với mọi số phận con người bằng những lời nói và việc làm chân tình.

Những năm 1945-1946, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang bị thù trong, giặc ngoài bao vây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “dĩ bất biến ứng vạn biến”, khéo léo ứng phó đưa nước ta vượt qua mọi ghềnh thác, kéo dài thời gian hòa bình quý giá. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bằng chính sách ngoại giao đúng đắn, nêu cao chính nghĩa, phân biệt rõ bạn - thù, có tình, có lý của Người, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có cả nhân dân Pháp, Mỹ đồng tình phản chiến.

Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh rất rõ ràng, nhất quán, kiên định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực… Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Tuy nhiên, với điều kiện tiên quyết, bất di bất dịch là ngoại giao phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ lợi ích đất nước và quyền lợi của nhân dân hiện tại cũng như tương lai. Tháng 6/1955, trong chuyến thăm ngoại giao nước ngoài đầu tiên sau khi miền Bắc được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình…” và Người tin chắc rằng, sự hợp tác đó sẽ có lợi cho các bên, góp phần xây đắp cho công cuộc hòa bình toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất và là một trong những con người đẹp nhất của thời đại chúng ta… Đó là một tấm gương tuyệt vời về con người mới, con người yêu nước sâu sắc nhất và yêu chủ nghĩa xã hội, con người của lao động, tình thương và lẽ phải, kết hợp đúng đắn cuộc sống cá nhân với cuộc sống của tập thể và của toàn xã hội. Bởi vậy, chúng ta cần phải nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đỗ Hoàng Linh (Nguyên Phó giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/pham-chat-dao-duc-cua-nguoi-cach-mang-chan-chinh-d285137.html
Zalo