Phải giữ được 'nét Huế'

Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương được các đại biểu Quốc hội hết sức ủng hộ, với mong muốn đưa vùng đất cố đô xứng tầm với tiềm năng, vị trí. Các đại biểu cũng đều đồng tình rằng dù phát triển tới mức nào thì Huế cũng phải giữ được nét đặc sắc về lịch sử và văn hóa vốn có.

Di sản văn hóa Huế có giá trị vô cùng to lớn. Ảnh: Thảo Ngân/Mekong ASEAN

Di sản văn hóa Huế có giá trị vô cùng to lớn. Ảnh: Thảo Ngân/Mekong ASEAN

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, chiều 30/10, Chính phủ đã trình Quốc hội việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, theo các quan điểm, nguyên tắc: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế để TP Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ…

Ngay sau đó, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ thống nhất cao với đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

SỰ ĐỔI MỚI TRONG TƯ DUY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhớ lại, năm 1996 - tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét việc đưa Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương; tuy nhiên thiếu 6 phiếu để đủ quá bán nên đề án chưa được xem xét. Lúc đó, các đại biểu băn khoăn vì Thừa Thiên Huế vẫn còn có những huyện nghèo, hẻo lánh, thậm chí chưa có điện như A Lưới. Cùng thời gian đó, Quốc hội quyết định thành lập TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và đến năm 2002 là TP Cần Thơ.

Từ đó đến nay, Việt Nam chưa có thêm thành phố trực thuộc Trung ương nào trong khi tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Vì vậy thời điểm hiện nay, việc lập thêm một thành phố trực thuộc Trung ương theo bà Thủy là phù hợp, đặc biệt là còn thể hiện sự đổi mới trong tư duy phát triển đô thị.

“Trước chúng ta cứ hình dung đô thị là khu tập trung dân cư cao, tòa nhà cao, khu công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay tư duy đã chuyển biến, đặc biệt là từ Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, phát triển đô thị Việt Nam, với yêu cầu liên quan đến phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị di sản,” đại biểu nói.

Nằm trong cơ quan thẩm tra đề án, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, Thừa Thiên Huế có sự chuẩn bị cho việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương kỹ càng. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã xem xét, sửa đổi Nghị quyết 1210 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Từ quá trình Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện với đơn vị hành chính và phân loại đô thị, Thừa Thiên Huế đã theo sát. Tỉnh tham gia chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị về việc phát triển những đô thị mang tính văn hóa, bảo tồn di sản. Trên cơ sở đó, tỉnh không ngừng phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn, và đến thời điểm hiện tại khi Chính phủ trình đề án thì tất cả các tiêu chuẩn đã đáp ứng đầy đủ.

“Các huyện nghèo như Nam Đông, A Lưới đã thoát nghèo, thu ngân sách tăng, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái... Bộ mặt của Thừa Thiên Huế mấy năm gần đây có sự thay đổi rất lớn,” bà Phương Thủy khẳng định.

CẦN KIÊN ĐỊNH ĐỊNH HƯỚNG ĐÔ THỊ DI SẢN

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) nhận định, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ là mốc lịch sử quan trọng không chỉ với TP Huế mà cho cả sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Tuy nhiên vị chuyên gia lưu ý, phần đánh giá tác động về sự chuyển biến nhanh chóng giữa hai khu vực đô thị và nông thôn cần kỹ lưỡng, cụ thể, phải lượng hóa được quy mô qua từng thời kỳ phát triển, bởi đây là thực tế chung sẽ diễn ra rất nhanh. Trên cơ sở đó để điều chỉnh thiết chế hạ tầng, đặc biệt là thiết chế hạ tầng liên quan đến vấn đề giáo dục, y tế. “Đô thị hóa quá nhanh trong khi hạ tầng chưa kịp phát triển sẽ gây nên sự quá tải về giáo dục, y tế cộng động, bất cập trong đời sống dân cư,” GS Lan phân tích.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, cố đô Huế gắn với triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, ngoài thiết chế hạ tầng về cung điện, đền đài được công nhận là di sản còn có hệ thống lăng tẩm - quần thể mai táng tâm linh tưởng niệm lớn. Vì vậy khi lên TP trực thuộc Trung ương, cùng với lộ trình công nghiệp hóa tất yếu, đòi hỏi phải có quy hoạch, quy định hoàn thiện cho phù hợp, trên cơ sở tôn trọng yếu tố lịch sử, tâm linh, hài hòa với cảnh quan, mỹ thuật, sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, với vị trí nằm giữa hai miền với dải núi Hoành Sơn cắt ngang cùng đỉnh cao Bạch Mã, Huế có bộ giống cây trồng phong phú, tập hợp rất nhiều giống nông nghiệp đặc trưng của cả nước; vùng nông thôn với những nét làng cổ đặc trưng; phá Tam Giang - hệ đầm phá quan trọng và đẹp ở Đông Nam Á... Vị đại biểu mong muốn trong quá trình phát triển kinh tế, Huế cần có quy hoạch, khoanh định, quản lý, kiểm soát để giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên.

GS.TS Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

GS.TS Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa Huế rất đặc sắc, các di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam cũng là ở Huế, cả vật thể - khu di tích cố đô Huế và phi vật thể - nhã nhạc cung đình Huế. “Đối với tất cả mọi người yêu văn hóa thì Huế chính là địa chỉ tin cậy,” ông Sơn nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, di sản của Huế quá nhiều. Bất cứ một địa phương nào có một di sản của Huế như lăng tẩm, tường thành... đều sẽ có thể trở thành trung tâm du lịch. Tuy nhiên có nhiều quá cũng dẫn đến thách thức là việc chăm sóc, bảo tồn các di sản này. Vì vậy, ông Sơn bày tỏ vui mừng khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với quan điểm phát triển thành đô thị di sản. “Huế cần kiên quyết giữ định hướng này, để không bị quá trình đô thị hay tác động khác của xã hội hiện đại ảnh hưởng đến giá trị văn hóa,” PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhất trí với quan điểm khi đưa Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương thì phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản. “Chỉ có như thế chúng ta mới tạo ra những cái riêng có, lợi thế của Huế. Tôi hoàn toàn tin tưởng khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả nước, minh chứng cho giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc,” ông nói.

GIẢI BÀI TOÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Hồi đáp những đại biểu còn băn khoăn, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ rõ hơn về định hướng phát triển của Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Lưu, mô hình đô thị mà Thừa Thiên Huế lựa chọn là mô hình đô thị di sản - văn hóa. Trước đây, nhiều nhà máy thép, nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất nhiệt điện đã có đề xuất đầu tư nhưng chính quyền tỉnh đều từ chối vì nguy cơ phá vỡ môi trường, cảnh quan. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh không thể đi nhanh được.

Trong bối cảnh mới, ngoài các thế mạnh du lịch, dịch vụ, thương mại thì lĩnh vực mà Huế quan tâm là công nghiệp công nghệ phần mềm. Theo ông Lưu, đây là lĩnh vực mà địa phương có nhân lực và tập trung ưu tiên để phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp không khói.

“Chúng tôi có hai khu vực là khu kinh tế Chân Mây và khu công nghiệp Phong Điền để sản xuất công nghiệp, giúp giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển; còn các khu đô thị lõi, trung tâm thì bảo tồn như hiện trạng, hạn chế đô thị nén,” Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông tin.

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

Ông Lê Trường Lưu cũng chia sẻ các lĩnh vực khác cho thấy Huế đã đáp ứng tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Như trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 1,76%, huyện miền núi A Lưới cũng đã đổi khác, với đường bê tông vào tận thôn, điện nước cơ bản, đời sống nhân dân tăng lên.

Hay trong công tác phòng chống thiên tai, hiện đầu nguồn của Huế có hồ chứa đạt 2 tỷ m3 nước, nhờ đó những ngày vừa qua tuy mưa lớn nhưng thành phố không ngập lụt sâu.

Với định hướng đô thị di sản - văn hóa, ông Lê Trường Lưu kỳ vọng khi Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được hỗ trợ đầu tư thêm. Thực chất các di sản của Huế mới được phục chế khoảng 65-70%, nhiều phế tích chưa được trùng tu vì chưa có đủ vật lực và nhân lực. Địa phương cũng mong muốn xây bảo tàng liên quan đến cổ vật khi Huế đang có gần 12.000 cổ vật.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phai-giu-duoc-net-hue-35157.html
Zalo